Phòng bệnh mùa đông cho trẻ
ANTD.VN - Vào mùa đông, trẻ nhỏ rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết do sức đề kháng còn yếu.
Để phòng tránh các bệnh trong mùa lạnh cho trẻ, các bậc cha mẹ cần chăm sóc trẻ chu đáo hơn như tránh để nhiễm lạnh; giữ vệ sinh ăn uống, tay chân; thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ tránh để những biến chứng không đáng có xảy ra. Dưới đây là những căn bệnh con bạn có thể bị mắc vào mùa lạnh và cách phòng tránh.
Cảm lạnh
Cảm mạo, cảm lạnh khiến trẻ bị ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, đau đầu, sốt, sợ lạnh, toàn thân khó chịu. Để đề phòng cảm mạo phong hàn cho trẻ trong mùa đông, phải luôn giữ ấm cho trẻ, cho trẻ ăn uống nóng và đầy đủ chất dinh dưỡng. Không để trẻ ra nơi lạnh, có gió. Ban đêm đi ngủ phải chú ý cho trẻ đi tất và không nằm nơi có gió lùa.
Viêm mũi
Ban đầu trẻ bị ngứa mũi, hắt hơi sau đó có thể chuyển sang nặng đầu, đau mỏi chân tay, sốt khoảng 39 độ C. Hai hốc mũi trẻ sung huyết đỏ và ứ đọng nhiều dịch. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm tai, viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp…
Khi trẻ bị viêm mũi, hàng ngày cần nhỏ mũi cho trẻ bằng dung dịch nước muối 0,9%, ngày 3 - 4 lần cho đến khi trẻ hết chảy nước mũi đồng thời cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng thịt, cá, trứng, đậu, rau củ quả chín… để nhanh hồi phục.
Viêm họng cấp
Là bệnh thường xảy ra vào mùa đông, nguyên nhân do liên cầu khuẩn. Triệu chứng đầu tiên là đau họng khi nuốt, kèm theo sốt, khàn tiếng. Bệnh thường tiến triển trong vòng 3, 4 ngày sau đó trở lui.
Không có thuốc đặc trị bệnh viêm họng cấp, thuốc kháng sinh cũng không có tác dụng mà chỉ có thể điều trị triệu chứng, chăm sóc, hỗ trợ trẻ như giữ ấm cho trẻ, cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng, cho trẻ súc miệng, súc họng thường xuyên bằng nước muối ấm loãng và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ.
Viêm V.A/Amidan
Với trẻ bị viêm V.A, biểu hiện thường là sốt 38-39 độ C hoặc cao hơn, chảy mũi, lúc đầu chảy mũi trong, loãng, những ngày sau thường chảy mũi nhầy, mủ. Ngoài ra có thể thấy trẻ mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc, hơi thở hôi. Ngoài việc làm sạch mũi thường xuyên cho trẻ, có thể điều trị bằng thuốc làm loãng đờm, giảm ho, riêng dùng kháng sinh phải do thầy thuốc chỉ định.
Trong khi đó, trẻ bị viêm amiđan cấp sẽ sốt cao từ 39-40 độ C, đau họng, khó nuốt, chảy nước miếng nhiều, mệt mỏi, biếng ăn, biếng chơi. Viêm amiđan rất dễ gây biến chứng nếu không được điều trị đúng.
Viêm tiểu phế quản
Viêm tiểu phế quản là bệnh hô hấp cấp tính, rất hay gặp ở trẻ nhỏ do viêm tắc các đường hô hấp nhỏ (hay còn gọi là tiểu phế quản). Bệnh xuất hiện cao nhất vào mùa đông, khi trẻ xuất hiện những cơn ho ngày một kéo dài, nhất là về nửa đêm hoặc gần sáng. Cha mẹ cần lưu ý cho trẻ uống nhiều nước để tránh thiếu nước và làm loãng đờm, thường xuyên làm sạch mũi cho trẻ, giữ cho môi trường sống của trẻ được trong lành.