NHẬN BIẾT VÀ PHÒNG BỆNH SỞI Ở TRẺ NHỎ
Sốt, ho, chảy nước mũi triệu chứng ban đầu của bệnh sởi có thể bị nhầm lẫn với bệnh thông thường khiến trẻ có thể diễn biến nặng do không được theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp
Tại sao bệnh sởi diễn biến nhanh và nặng?
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh sởi thường hay xảy ra vào mùa đông xuân, lây truyền qua đường hô hấp do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện…do đó sởi rất dễ lây lan ở những khu vực đông người như: nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư… dễ gây thành dịch. Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các bệnh kèm theo hoặc có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu trẻ không được điều trị đúng cách.
Triệu chứng của bệnh sởi
Với kinh nghiệm thực tế tiếp nhận, chăm sóc các trẻ bị sởi, Điều dưỡng Đỗ Thị Thúy Hậu, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện nhi Trung ương chia sẻ: Trẻ nhiễm bệnh sởi có các triệu chứng: Sốt cao > 39°C; Viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng, chảy nước mắt, mũi, ho, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt.
Điều dưỡng Thúy Hậu hướng dẫn cách nhận biết ban sởi: Ban mọc theo thứ tự bắt đầu ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ, ngày thứ 2 ở ngực lưng cánh tay, ngày thứ 3 ở bụng, mông, đùi, chân, khi ban mọc tới chân hết sốt và ban bắt đầu bay.
Cần chú ý chăm sóc trẻ nhiễm sởi đề phòng biến chứng
Chăm sóc trẻ mắc sởi bệnh tại nhà.
Các bác sĩ cho hay, đối với bệnh sởi, nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà cho trẻ. Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành; cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt ≥ 38,5°C theo chỉ định của bác sĩ. Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh.
Điều dưỡng Thúy Hậu lưu ý thêm, cần vệ sinh cho trẻ như: tắm nước ấm nhưng tránh để lạnh. Thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ. Cần tránh quan niệm cho bệnh nhân kiêng tắm, kiêng gió. Nhỏ mắt bằng nước muối 0,9% ngày 3 lần.Với trẻ mắc sởi còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý (nếu trẻ ≥ 6 tháng)
Thức ăn cho trẻ khi mắc sởi cần mềm dễ tiêu, nấu chín kỹ và khi ăn nên chia thành nhiều bữa. Tốt nhất nên chế biên theo khẩu vị người bệnh. Không kiêng khem trong chế độ ăn, để bù kịp thời các chất dinh dưỡng mất do quá trình nhiễm trùng. Trẻ lớn đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều Vitamin A. Bổ sung Vitamin A để dự phòng thiếu vitamin này, giúp bảo vệ mắt, theo hướng dẫn của bác sĩ.
Lưu ý các cha mẹ, để phòng sởi lây lan, trẻ mắc bệnh cần cách ly trẻ bệnh tránh lây truyền bệnh sang các đối tượng khác; đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hay nghi ngờ bệnh sởi; giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh nơi ở như lau nhà, bàn, ghế, cầu thang đồ chơi nơi khu vực vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường. Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng sởi an toàn, hiệu quả nhất cho trẻ.
Cần đưa trẻ mắc sởi đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu sau:
- Trẻ sốt cao liên tục ≥ 39°C - 40°C
- Khó thở, thở nhanh.
- Mệt mỏi, không ăn uống gì, không chơi, lơ mơ…
- Phát ban toàn thân mà vẫn sốt.
|
Trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trẻ sẽ được tiêm miễn phí vắc xin phòng sởi theo lịch:
- Khi trẻ 9 tháng tuổi sẽ được tiêm sởi mũi 1
- Khi trẻ 18 tháng tuổi sẽ được tiêm vắc xin phối hợp sởi - rubella
Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để mang lại hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
|
Dự án TCMR