Thanh tra Bộ y tế khẳng định việc đưa 14 vi chất vào sữa học đường phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng
07:57 13/04/2019
Sản phẩm của Vinamilk cung cấp cho Chương trình sữa học đường Hà Nội với 14 vitamin và khoáng chất bổ sung thêm đã trải qua quá trình nghiên cứu lâm sàng, có bằng chứng khoa học của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, và được xác nhận hiệu quả trong nghiên cứu cải thiện tình trạng dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi học đường.
Thời gian qua, Chương trình sữa học đường Hà Nội đã tạo một hiệu ứng xã hội rất tích cực khi nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các nhà trường, thầy cô giáo và phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, vài hôm nay, các bậc phụ huynh lại xôn xao trước một số thông tin được đăng tải theo hướng tiêu cực về Chương trình sữa học đường Hà Nội, trong đó đặc biệt là thông tin về 14 loại vi chất dinh dưỡng có trong sản phẩm sữa học đường...
Trước các thông tin trái chiều này, chúng tôi đã tiến hành làm việc và trao đổi với ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), đơn vị cung cấp sản phẩm Sữa tươi tiệt trùng nhãn hiệu “Vinamilk 100% Sữa tươi - Học Đường” cho các trường học ở Hà Nội.
Theo ông Khánh cho biết, sản phẩm “Vinamilk 100% Sữa tươi - Học Đường” được chế biến từ sữa bò tươi nguyên liệu đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; thành phần có đường hoặc không đường, không sử dụng chất bảo quản.
|
Chương trình sữa học đường Hà Nội đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các nhà trường, thầy cô giáo và phụ huynh học sinh.
|
Sản phẩm này phù hợp Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/09/2016 của Bộ Y tế về việc quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến 2020. Chất lượng sản phẩm đáp ứng các quy định tại Quy chuẩn QCVN 5-1: 2010/BYT ban hành ngày 02/06/2010 của Bộ Y tế về Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với sản phẩm sữa dạng lỏng
Sản phẩm cũng đã được công bố chất lượng với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm. Có ghi nhãn Sữa học đường trên từng đơn vị sản phẩm, việc ghi nhãn hàng hóa thực hiện theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ. Sản phẩm được sản xuất tại nhà máy đã được cơ quan có chức năng chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Về nguồn thông tin 14 vi chất trong sữa tươi học đường đang gây dư luận trái chiều, ông Nguyễn Quốc Khánh giải thích như sau: Ngoài thành phần dinh dưỡng có sẵn trong sữa tươi nguyên liệu, sữa học đường phải có các thành phần bổ sung bắt buộc theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/07/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về chương trình sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, cụ thể: “Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020”.
Vì vậy, ngoài các vi chất bắt buộc nêu trên, sản phẩm “Sữa tươi tiệt trùng nhãn hiệu Vinamilk – 100% sữa tươi - Học đường” còn bổ sung 10 Vitamin (Vitamin PP (B3), Vitamin C, Vitamin A, Vitamin E, Vitamin B1, Vitamin B2, Vitamin K1, Vitamin B6, Vitamin B5, Acid Folic) và 4 khoáng chất (Iod, Kẽm, Đồng, Selen) là hoàn toàn phù hợp với khuyến nghị của Bộ Y tế, Viện dinh dưỡng quốc gia.
Cụ thể, nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam của Bộ Y Tế ban hành kèm theo thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24 tháng 11 năm 2014;Khuyến nghị của Viện dinh dưỡng Quốc Gia dựa trên kết quả nghiên cứu lâm sàng về việc sử dụng Sữa tươi tiệt trùng nhãn hiệu Vinamilk – 100% sữa tươi - Học đường có bổ sung vi chất cho trẻ em lứa tuổi học đường;
Đồng thời, điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng, ý nghĩa nhân văn và mục tiêu Chương trình Sữa học đường của Quyết định 1340 và Quyết định số 641/QĐ/TTg ngày 28/04/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030, căn cứ vào mục đích cải thiện tình trạng thể lực tại các quy định sau ở Khoản 2 Điều 1, Quyết định 1340, cụ thể: Đến năm 2020, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,6%/năm; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,7%/năm; chiều cao trung bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 cm - 2 cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.
Ông Khánh khẳng định, sản phẩm của Vinamilk cung cấp cho Chương trình với 14 vitamin và khoáng chất bổ sung thêm đã trải qua quá trình nghiên cứu lâm sàng, có bằng chứng khoa học của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, và được xác nhận hiệu quả trong nghiên cứu cải thiện tình trạng dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi học đường.
Việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng chắc chắn sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, tuy nhiên, Vinamilk xác định không làm thương mại và không tìm kiếm lợi nhuận từ Chương trình Sữa học đường. Vinamilk thực hiện chương trình Sữa học đường tại Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành khác nói chung nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển thể chất cho các em học sinh theo Quyết định 641 và Quyết định 1340. Mục tiêu này cũng chính là sứ mệnh của Vinamilk đối với cộng đồng và xã hội.
Để khách quan hơn, chiều 12-4, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế về vấn đề này
|
Ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ y tế trao đổi với phóng viên Báo CAND.
|
Phóng viên: Xin ông cho biết việc đưa các loại vi chất dinh dưỡng vào trong sản phẩm sữa học đường như sản phẩm của Vinamilk (Sữa tươi tiệt trùng nhãn hiệu “Vinamilk 100% sữa tươi - Học đường”) có bị cấm hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Nhiên: Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/07/2016 phê duyệt chương trình sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, cụ thể tại quyết định này có nêu: “Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020”. Như vậy, việc bổ sung sắt, canxi, vitamin D để nhằm đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020 là bắt buộc.
Ngoài ra, Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ không cấm việc bổ sung các loại vi chất dinh dưỡng khác. Việc bổ sung các loại vi chất dinh dưỡng khác do doanh nghiệp thực hiện nhưng không được vượt quá so với bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho Người Việt Nam đã được Bộ Y tế đưa ra và không vượt quá mức khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng.
Phóng viên: Như vậy, có thể coi việc bổ sung các loại Vitamin (10 Vitamin và 4 khoáng chất) vào sản phẩm của Vinamilk như đã đưa tin là phù hợp với khuyến nghị của Bộ Y tế, Viện dinh dưỡng quốc gia? Các bậc phụ huynh cũng quan tâm rằng việc bổ sung các chất này có ảnh hưởng gì cho sức khỏe của trẻ hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Nhiên: Tôi cho rằng việc Vinamilk bổ sung các loại Vitamin (10 loại) và khoáng chất (4 loại) như đã nêu là không trái với quy định, hay nói đúng hơn là phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị dành cho người Việt Nam ở từng độ tuổi khác nhau. Việc bổ sung 10 Vitamin và 4 khoáng chất với hàm lượng như đã được bổ sung trong sản phẩm của Vinamilk là hoàn toàn tốt cho sức khỏe chứ không thể nói là có ảnh hưởng cho sức khỏe.
Phóng viên: Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/07/2016 phê duyệt về chương trình sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, Thanh tra Bộ Y tế đã tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra như thế nào, đã phát hiện sai phạm gì tại các cơ sở có sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phục vụ chương trình sữa học đường chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Nhiên: Trước hết phải khẳng định công tác thanh tra trong lĩnh vực y tế nói chung luôn được Bộ Y tế quan tâm, được tiến hành thường xuyên. Đặc biệt là đối với các sản phẩm phục vụ chương trình sữa học đường theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg và Quyết định số 641/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vì đây là chương trình do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Y tế đặc biệt quan tâm, chương trình này liên quan trực tiếp đến việc cải thiện tầm vóc trẻ em Việt Nam - Tương lai của đất nước.
Hàng năm, Thanh tra Bộ Y tế đã trình Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch thanh tra y tế, trong đó có bao gồm cả việc thanh tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phục vụ chương trình sữa học đường và đã triển khai theo đúng kế hoạch được Bộ trưởng phê duyệt. Kết quả thanh tra do Thanh tra Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành trong những năm qua, bao gồm cả việc lấy mẫu sản phẩm gửi về các Viện đầu ngành để kiểm nghiệm ghi nhận chưa phát hiện có vi phạm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phục vụ chương trình sữa học đường, đặc biệt là chưa phát hiện có vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm tại các cơ sở đã được thanh tra.
Trong thời gian tới, Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai và chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường triển khai các cuộc thanh tra, bao gồm cả thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Trong quá trình thanh tra sẽ kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, kiên quyết không để các cơ sở có vi phạm tiếp tục hoạt động khi chưa có biện pháp pháp khắc phục hiệu quả hoặc sản phẩm có vi phạm, không đảm bảo an toàn thực phẩm tiếp tục lưu thông trên thị trường.
Phóng viên: Xin cám ơn ông đã tham gia trao đổi cùng chúng tôi!
TS Trương Hồng Sơn: Cần hiểu đúng về vi chất dinh dưỡng trong sữa học đường
Thứ Bảy, 13/04/2019, 06:54:10
NDĐT – TS, BS Trương Hồng Sơn, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho hay, việc cân đối chất sinh năng lượng và khoáng chất trong sữa học đường là cần thiết và việc bổ sung những vi chất này trong Đề án Sữa học đường nằm trong quy định danh mục vitamin và chất khoáng sử dụng trong thực phẩm Việt Nam, không gây hại cho trẻ em.
TS, BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng viện Y học ứng dụng Việt Nam.
Sản phẩm sữa học đường được triển khai tại Hà Nội đang được bổ sung 14 vi chất dinh dưỡng - nhiều hơn so với khuyến cáo của Bộ Y tế là chỉ có ba vi chất dinh dưỡng. Điều này gây ra những phản ứng từ phía các bậc phụ huynh, lo lắng con mình có thể bị ngộ độc, suy gan, suy thận… vì bổ sung vi chất dinh dưỡng quá ngưỡng.
Phóng viên Nhân Dân điện tử đã có cuộc trao đổi với TS, BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng viện Y học ứng dụng Việt Nam, một chuyên gia về sức khỏe và dinh dưỡng có vai trò độc lập trong vấn đề này để cung cấp một cách nhìn khoa học và khách quan về việc bổ sung vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm nói chung và trong sản phẩm sữa học đường nói riêng.
PV: Thưa TS Trương Hồng Sơn, việc bổ sung vi chất và thực phẩm có ý nghĩa như thế nào với sức khỏe? Đặc biệt là việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào sữa học đường đang được dư luận quan tâm hiện nay.
TS Trương Hồng Sơn: Thiếu vi chất dinh dưỡng là một tình trạng phổ biến trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Giải quyết tình trạng này có thể dựa trên việc bổ sung trực tiếp (micronutrient supplementation) như bổ sung vitamin A liều cao, bổ sung viên đa vi chất cho phụ nữ mang thai, hoặc thông qua các giải pháp bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Đến nay, có gần 140 quốc gia có quy định pháp lý về bổ sung vi chất và thực phẩm.
Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào bữa ăn học đường, trong đó có sữa học đường là giải pháp cần được triển khai vì trẻ em ở lứa tuổi học đường là giai đoạn cần tăng trưởng về cân nặng, tăng trưởng chiều cao. Ở Việt Nam, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi khoảng 28%, thiếu kẽm khoảng 69%... Vì thế, khi triển khai chương trình sữa học đường, việc bổ sung vi chất trong các sản phẩm đó là cần thiết.
PV: Được biết đề án Sữa học đường được Bộ Y tế khuyến cáo bổ sung thêm ba vi chất dinh dưỡng, nhưng sản phẩm thực tế lại bổ sung số vi chất dinh dưỡng nhiều hơn gấp bốn lần? Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
TS Trương Hồng Sơn: Đề án chương trình sữa học đường đưa ra khuyến cáo bổ sung ba vi chất là canxi, vitamin D và sắt. Đây là ba vi chất liên quan trực tiếp đến tăng trưởng chiều cao, phòng chống thiếu máu thiếu sắt. Tuy nhiên đây chỉ là một trong những vi chất quan trọng nhất và tối thiểu phải có. Căn cứ vào tình trạng vi chất dinh dưỡng và tăng trưởng ở trẻ, cần phải bổ sung nhiều vi chất dinh dưỡng hơn như vậy. Theo khuyến nghị ngoài chất đạm, chất béo và đường bột thì cần có các vitamin và chất khoáng khác gồm canci, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin D và vitamin K2…, ngoài ra còn nhiều vitamin và chất khoáng khác nữa.
Thí dụ, khi trẻ em thiếu máu thì cần phải bổ sung sắt. Nhưng không chỉ cần bổ sung sắt là đủ. Sắt muốn tăng cường hấp thu tại ruột non và huy động sử dụng sắt dự trữ từ gan thì cần có vitamin A, vitamin B2, vitamin C. Quá trình tổng hợp hồng cầu ngoài sắt thì cần axit folic, vitamin B12... Ngoài ra, muốn thành mạch tốt giảm mất máu thì cần vitamin E, vitamin C. Như vậy chỉ riêng thiếu máu không chỉ cần có sắt mà cần nhiều vitamin tham gia vào. Vì vậy, khi giải quyết tình trạng thiếu máu, sản phẩm bổ sung phải có vitamin khác đi kèm vào.
Về vấn đề tăng mật độ xương cho trẻ em, canxi đóng vai trò quan trọng nhất nhưng để hấp thu thì phải có vitamin D. Khi vào máu, để đưa canxi đến xương cũng cần vitamin K2…
PV: Nhiều bậc phụ huynh đang băn khoăn, việc bổ sung quá nhiều vi chất dinh dưỡng - cụ thể ở đây là 14 vi chất dinh dưỡng trong sữa học đường - vượt ngưỡng khuyến cáo của Bộ Y tế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em. Giữa khuyến cáo và thực tế đang là một khoảng cách lớn. Vậy trên thực tế sản phẩm sữa học đường ông đã xem, việc bổ sung số lượng vi chất dinh dưỡng có phải đang vượt ngưỡng và liệu có gây hệ lụy gì cho sức khỏe?
TS Trương Hồng Sơn: Để xem một sản phẩm có được bổ sung vượt ngưỡng hay không cần phải xem xét hai yếu tố, một là về sự có mặt của các loại vitamin và khoáng chất và thứ hai là hàm lượng của từng loại có hiệu quả hay không, có vượt ngưỡng hay không.
Về mặt số lượng của các loại vitamin và khoáng chất chúng tôi đã phân tích ở trên, và thực tế sản phẩm sữa bò tươi nguyên chất cũng đã có sự có mặt của hàng chục vi chất dinh dưỡng trong thành phần chứ không phải chỉ có ba vi chất dinh dưỡng. Trong khuyến nghị của sữa học đường không có một số vi chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, kẽm. Tuy nhiên, tỷ lệ thiếu kẽm tại Việt Nam chiếm 2/3 số trẻ em, thiếu vitamin A tiềm ẩn vẫn tồn tại. Như vậy, bổ sung kẽm, vitamin A vào sữa học đường sẽ đem lại hiệu quả tích cực, góp phần giảm nguy cơ thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em. Việc bổ sung đưa thêm vi chất dinh dưỡng này với trẻ em Việt Nam như hàm lượng đang đưa là hợp lý và theo đúng các quy định về bổ sung vi chất dinh dưỡng từ góc nhìn chuyên môn.
Thứ hai là về hàm lượng của các vi chất dinh dưỡng. Chúng ta hiểu là nếu lượng vitamin và khoáng chất ở ngưỡng cao có thể đem lại hiệu quả không mong muốn, gây bất lợi. Thí dụ bổ sung canxi và vitamin C quá liều trong thời gian dài có thể gây sỏi thận. Tuy nhiên chúng ta cần biết là trong các thực phẩm bổ sung, hàm lượng của các vi chất dinh dưỡng được bổ sung đều ở mức chỉ khoảng 5-10% so với nhu cầu khuyến nghị hàng ngày. Như vậy, phải uống tới 10-20 hộp mới đạt được nhu cầu khuyến nghị/ngày. Và hơn nữa từ ngưỡng nhu cầu khuyến nghị này đến mức liều có thể gây hại thì lại càng rất xa.
Thí dụ, trong một hộp sữa học đường, vitamin C không nằm trong ba vi chất được Bộ Y tế khuyến nghị, nhưng nó có vai trò tăng cường hấp thu và sử dụng với sắt. Với liều lượng 6,5 mg vitamin C trong một hộp sữa học đường, thì phải uống 12 hộp mới đạt khuyến nghị/ngày. Và phải hơn 75 hộp mới có lượng vitamin C tương đương với một viên vitamin C sủi 500mg. Với hàm lượng như vậy trong hộp sữa học đường, sẽ không bao giờ có chuyện gây hại cho sức khỏe các em, mà chỉ tham gia vào hỗ trợ hấp thu sắt.
PV: Trên thế giới, các sản phẩm sữa học đường có được bổ sung vi chất dinh dưỡng hay không. Và theo ông, có cần thiết phải bổ sung vi chất dinh dưỡng vào sữa học đường tại Việt Nam?
TS Trương Hồng Sơn: Sữa học đường được triển khai ở Mỹ từ năm 1940, Nhật Bản năm 1954, Thái-lan năm 1992, Trung Quốc năm 2000. Hiện có 30 quốc gia triển khai sữa học đường, mang lại hiệu quả tích cực. Trong một bối cảnh chung phải nâng cao bữa ăn học đường, sữa đóng vai trò lợi thế vì là loại thức ăn dễ tiếp cận, dễ sử dụng và trong sữa, các nhà sản xuất có thể bổ sung vi chất dinh dưỡng chống lại việc thiếu vi chất dinh dưỡng.
Sữa học đường nếu được bổ sung vi chất dinh dưỡng đầy đủ thật sự đem lại hiệu quả tốt hơn sữa tươi thông thường không bổ sung vi chất dinh dưỡng. Và hiện nay phần lớn các sữa đang được bán trên thi trường Việt Nam đều bổ sung đa dạng các loại vi chất dinh dưỡng.
PV: Vậy với các bậc cha mẹ đang hoang mang vì con mình có thể sẽ mắc các bệnh lý tiềm ẩn nếu sử dụng sữa học đường do bổ sung quá nhiều vi chất dinh dưỡng, ông có khuyến nghị gì?
TS Trương Hồng Sơn: Các thông tin đưa lên vừa qua về việc sữa học đường bổ sung vi chất dinh dưỡng “vượt ngưỡng” là không khách quan và làm các bậc cha mẹ học sinh rất lo lắng.
Khuyến nghị của Bộ Y tế là tập trung vào ba vi chất, nhưng thực tế, trong sữa tươi thông thường đã có sự có mặt của nhiều vi chất dinh dưỡng và một số vi chất được các nhà sản xuất bổ sung theo các tiêu chuẩn bổ sung của Việt Nam quốc tế.
Những thông tin chúng tôi muốn đưa đến các bậc cha mẹ ở đây là độc lập và khách quan và chúng tôi muốn các bậc phụ huynh hiểu thêm về vi chất dinh dưỡng và sự an toàn của nó để yên tâm cho con sử dụng các sản phẩm của chương trình sữa học đường, và cả các sản phẩm khác đang bán trên thị trường có bổ sung vi chất dinh dưỡng. Các sản phẩm thực phẩm bổ sung khi đưa ra thị trường đều dựa trên nhu cầu khuyến nghị và các ngưỡng an toàn để bảo đảm các thực phẩm đem lại hiệu quả và an toàn cho người sử dụng.
Xin cảm ơn TS Trương Hồng Sơn!