Chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1
(Nhất Việt) - Giai đoạn chuyển từ mầm non sang lớp 1 là một bước chuyển lớn với các bé. Nhiều trẻ sẽ bỡ ngỡ và có thể gặp không ít khó khăn lúc mới vào lớp 1, khi đang quen được chăm sóc, vui chơi phải chuyển sang môi trường mới, với hoạt động học tập là chính, ngồi một chỗ, viết bài, làm toán trong thời gian dài... Vì vậy để việc chuẩn bị tâm lí và kĩ năng cho trẻ trước khi vào lớp 1 là rất quan trọng.
Chuẩn bị tâm lí cho trẻ
Trên thực tế thì sau thời gian khai giảng nhiều trẻ rơi vào trạng thái tâm lí lo âu, hoảng sợ…Việc này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý cũng như kết quả học tập của trẻ.
Theo Thạc sĩ tâm lý Đỗ Thị Thu Hồng (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, Hà Nội) sau khai giảng, bệnh viện đón nhận một số trẻ lớp 1 có biểu hiện rối nhiễu tâm lý do lo âu, hoảng sợ, buồn bã, ốm liên miên, sụt cân nhanh chóng, từ chối hòa đồng với thầy cô bè bạn, kém hoạt bát hơn hẳn so với thời điểm trước khi đi học.
Đây thực sự là vấn đề với trẻ bởi nếu không được giúp đỡ, trẻ dễ sinh tâm trạng chán đi học, không những ảnh hưởng đến sự phát triển về trí tuệ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển về nhân cách sau này.
Đa phần trẻ sẽ tự thích nghi được với môi trường mới nếu được cha mẹ chuẩn bị tâm lí tốt trước khi vào lớp 1:
- Cho trẻ làm quen với cặp sách, đồ dùng học tập, cái bút, quyển sách của mình. Có thể hướng dẫn con biết chiếc bút mở nắp rất nguy hiểm, nên con viết xong cần đậy lại. Dạy con cách giở sách, cách ghi nhớ, cách xếp sách vở vào ngăn cặp, cách đeo cặp trên vai. Khi vào năm học, bố mẹ cũng cần quan tâm đến thời khóa biểu của con để cùng bé chuẩn bị sách, đồ dùng học tập theo đúng môn học mỗi ngày, tránh để trẻ ngày nào cũng phải mang quá nhiều thứ tới trường.
- Hướng dẫn bé cách ứng phó với các tình huống ở trường như khi muốn đi vệ sinh và cách tự đi vệ sinh, lúc muốn nêu ý kiến... Quan trọng nhất là giúp bé hòa nhập với môi trường, tăng khả năng tự lập, tự biết giữ sức khỏe, khi nào cởi áo, mặc áo, lúc nào cần rửa tay...
- Dạy trẻ khả năng tập trung, để bé nhanh chóng làm quen với môi trường học mới. Khi con ở nhà, bố mẹ có thể tạo ra các cuộc thi như cả nhà kể chuyện cho nhau nghe, tập tô xem ai khéo hơn, nói về các chủ đề gần gũi với bé trong khoảng 30 phút...
- Giúp con làm quen với ngôi trường mới. Bố mẹ có thể dẫn bé tới trường, lớp mới vài lần trước khi con đi học thực sự. Hãy chỉ cho bé thấy lớp mới có những khác biệt như thế nào so với lớp ở trường mầm non của con. Chỉ cho con thấy những đồ vật đáng yêu ở nơi mới, một cây bàng xòe tán như chiếc ô che nắng, chiếc trống trường biết kêu "tùng tùng tùng" gọi các con vào lớp hay báo hiệu đến giờ chơi... Hãy giúp con cảm thấy môi trường mới có nhiều điều thú vị, gần gũi với bé.
- Khi con bắt đầu đi học, sau mỗi buổi, bố mẹ cần hỏi chuyện con về bạn bè, cô giáo, xem bé thích hay không thích gì nhất ở trường để biết cách giúp trẻ hào hứng tới lớp, dần khắc phục những khó khăn.
Chuẩn bị kĩ năng cho trẻ
Kĩ nắng cho trẻ khi bước vào lớp 1 đơn giản là kĩ năng cầm bút, tư thế ngồi sao cho đúng. Nghe có vẻ đơn giản nhưng hầu hết các bé lại không được trang bị những kĩ năng này trước khi đến trường.
Dưới đây là hướng dẫn bé cách cầm bút và tư thế ngồi sao cho đúng:
Tư thế ngồi
- Tư thế ngồi viết phải thoải mái, không gò bó.
- Khoảng cách từ mắt đến vở 25 -30 cm.
- Cột sống luôn ở tư thế thẳng đứng, vuông góc với mặt ghế ngồi.
- Hai chân thoải mái, không chân co chân duỗi.
- Hai tay phải đặt đúng điểm tựa quy định. Tay trái để xuôi theo chiều ngồi, giữ lấy mép vở cho khỏi xô lệch, đồng thời làm điểm tựa cho trọng lượng nửa người bên trái.
- Ánh sáng phải đủ độ và thuận chiều, chiếu từ bên trái sang.
Cách cầm bút đúng cách
- Tay phải cầm chắc bút bằng 3 ngón tay (cái, trỏ, giữa). Đầu ngón trỏ cách đầu ngòi bút chừng 2,5cm.
- Mép bàn tay là điểm tựa của cánh tay phải khi đặt bút xuống bàn viết .
- Lúc viết, điều khiển cây bút bằng các cơ cổ tay và các ngón tay.
- Không để ngửa bàn tay quá, tạo nên trọng lượng tì xuống lưng của hai ngón tay út va áp út (ngón deo nhẫn).
- Ngược lại không úp quá nghiêng bàn tay về bên trái (nhìn từ trên xuống thấy cả 4 ngón tay: trỏ, giữa, áp út và út)
- Cầm bút xuôi theo chiều ngồi. Góc độ bút đặt so với mặt giấy khoảng 45 độ. Tuyệt đối không cầm bút dựng đứng 90 độ.
- Đưa bút từ trái qua phải từ trên xuống dưới các nét đưa lên hoặc đưa sang ngang phải thật nhẹ tay, không ấn mạnh đầu bút vào mặt giấ
- Ở giai đoạn viết chì, cần chuẩn bị chu đáo cho đầu nét chì hơi nhọn đúng tầm. Nếu quá nhọn dẫn đến nét chữ quá mảnh, đôi khi còn chọc thủng giấy. Ngược lại, đầu nét chì quá “tù”, nét chữ quá to, chữ viết ra rất xấu.
Chỉ bấy nhiêu thôi việc chuẩn bị tâm lí và kĩ năng cho trẻ trước khi vào lớp 1 là cha mẹ đã chuẩn bị cho trẻ cả một balo hành trang và một tâm thế vững vàng để trẻ mang theo suốt chặng đường học tập.