I - ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Lý do chọn đề tài:
Giáo dục mầm non có vị trí rất quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đó là ngành học mở đầu, khâu đầu tiên trong việc hình thành những cơ sở đầu tiên của nhân cách con người và chuẩn bị những tiền đề cần thiết cho trẻ vào trường phổ thông. Hồ Chủ tịch đã nói:
"Dạy trẻ như trồng cây non…".
Trẻ mầm non là lứa tuổi mà trẻ đang bắt đầu tập làm người lớn. Ngay từ khi trẻ không còn chỉ biết nằm trong nôi nữa thì trẻ đã bắt đầu khám phá thế giới xung quanh và người lớn chúng ta đã bắt đầu lo lắng cho sự an toàn của trẻ. Trẻ nào cũng rất hiếu động, trẻ lạ lẫm với mọi thứ xung quanh và muốn biết mọi thứ ra sao mà không hề biết sự nguy hiểm đang rình rập quanh mình.
Việc dạy trẻ mầm non khó nhưng việc chăm sóc và đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho trẻ lại còn khó hơn. Một thực trạng rất đáng báo động hiện nay ở Việt Nam đó là tai nạn thương tích trẻ em. Rất nhiều vụ tai nạn thương tích trẻ em đã và đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ và để lại những hậu quả rất đau lòng, cướp đi sinh mạng hoặc để lại thương tật suốt đời cho trẻ. Trong số đó không thể không nhắc tới đó là tai nạn thương tích ở trẻ mầm non từ 0 - 6 tuổi. Mặc dù giáo viên đã rất cố gắng dạy và rèn trẻ những kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, nhưng trên thực tế, việc nắm bắt kiến thức của trẻ vẫn còn nhiều hạn chế bởi thiếu các hình thức giáo dục. Mặt khác, trong nội dung chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non nói chung và trẻ mẫu giáo nói riêng thì những bài thơ, đồng dao có nội dung phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ còn rất hạn chế.
Là một giáo viên mầm non trực tiếp làm công tác chăm sóc và giáo dục trẻ tôi nhận thấy rằng, việc cho trẻ làm quen với văn học, với âm nhạc có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Những bài thơ, đồng dao, thường thu hút được hứng thú của trẻ. Với lời thơ ngắn gọn nhưng mang đầy ý nghĩa, với cách nói vần vè, ngôn từ giàu nhịp điệu của của đồng dao, nhiều bài có lối kết cấu vòng tròn, trẻ đọc đi, đọc lại mà không chán, không kết thúc,. Từ đó trẻ tiếp thu và hiểu nội dung kiến thức rất nhanh và nhớ rất lâu.
Xuất phát từ tầm quan trọng của thơ ca, đồng dao đối với trẻ, từ thực trạng thiếu các bài thơ, đồng dao, có nội dung phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ. Đồng thời phát huy những hiệu quả của thơ ca, đồng dao, trong việc giáo dục trẻ phòng tránh tai nạn thương tích, tôi đã mạnh dạn "Sưu tầm,sáng tác thơ, viết lời mới đồng dao, có nội dung phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ mẫu giáo” để nghiên cứu và trao đổi với bạn bè đồng nghiệp.
II - NỘI DUNG
2.1. Cơ sở lý luận:
Việc sưu tầm sáng tác thơ, viết lời mới đồng dao có nội dung phòng chống tai nạn thương tích cùng với các trò chơi đi kèm đều được lựa chọn dựa trên đặc điểm nhận thức và đặc điểm tâm sinh lý của trẻ mẫu giáo.
- Thơ: Là ngôn ngữ của tác phẩm văn học. Yếu tố quan trọng tạo nên tính chất đặc thù của ngôn ngữ thơ là nhịp điệu.
- Đồng dao: Là thơ ca dân gian truyền miệng trẻ em. Việt Nam.
- Tai nạn thương tích: Là sự kiện xảy ra bất ngờ ngoài ý muốn, do tác nhân bên ngoài gây ra tổn thương cho cơ thể, do phải chịu tác động đột ngột ngoài khả năng chịu đựng hoặc rối loạn chức năng do thiếu các yếu tố cần thiết cho sự sống như không khí, nước, nhiệt độ phù hợp.
Vì vậy, việc đưa các nội dung phòng chống tai nạn thương tích vào trong các bài thơ, đồng dao sẽ giúp trẻ tiếp thu kiến thức một cách nhanh nhất.
2.2. Cơ sở thực tiễn:
* Thuận lợi:
- Trẻ nhanh nhẹn hoạt bát, ngôn ngữ phong phú.
- Giáo viên nhiệt tình, năng động, ham học hỏi, có kĩ năng sư phạm và đều có kiến thức về phòng tránh tai nạn thương tích.
- Lớp có cơ sở vật chất đầy đủ: Ti vi, vi tính có nối mạng Internet, hệ thống máy chiếu ,đàn
- Phụ huynh đều rất quan tâm đến chất lượng chăm sóc- giáo dục trẻ.
*Khó khăn:
- Các bài thơ, đồng dao, có nội dung phòng chống tai nạn thương tích trong chương trình còn rất ít.
- Số lượng trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ. Hầu hết các trẻ đều rất hiếu động, nghịch ngợm
- Trẻ nhận thức về việc phòng chống các tai nạn thương tích còn thụ động, hay quên.
- Một số phụ huynh chưa lường trước được các nguy cơ có thể dẫn đến tai nạn xảy với trẻ, chưa có nhiều các kiến thức về cách phòng tránh một số tai nạn thương tích cho trẻ chưa lường trước được các nguy cơ có thể dẫn đến tai nạn xảy với trẻ.
2.3. Các biện pháp đã tiến hành Sưu tầm sang tác thơ, viết lời mới đồng dao có nội dung phòng chống TNTT cho trẻ :
2.3.1. Xây dựng kế hoạch sáng tác thơ, viết lời mới cho các bài đồng dao.
Lập kế hoạch là một biện pháp quan trọng. Có kế hoạch sẽ giúp cho người giáo viên có thể hình dung rõ ràng, cụ thể từng công việc, chủ động kiểm tra, đánh giá từng công việc. Nó là cơ sở để thống nhất mọi hoạt động, mọi công việc khi giáo viên đã đặt ra. Chính vì thế, ngay từ đầu năm học, tôi đã đưa kế hoạch sáng tác của mình vào kế hoạch hoạt động của cả năm học và trong từng tháng hoạt động. Sau đó tôi tiến hành khảo sát lại toàn bộ các bài thơ, bài đồng dao, bài hát có nội dung giáo dục trẻ phòng chống tai nạn thương tích đã có trong chương trình và nhận thấy rằng: Hầu hết các nội dung trên mới chỉ thấy xuất hiện ở chủ điểm giao thông thông qua 8 bài thơ, còn các chủ điểm khác thì hầu như rất ít và đặc biệt là các bài đồng dao, các bài hát có nội dung giáo dục phòng chống tai nạn thương tích thì chưa có bài nào. Xuất phát từ thực tế trên, tôi đã sưu tầm, sáng tác các bài thơ, viết lời mới cho một số bài đồng dao, bài hát mang nội dung phòng chống tai nạn thương tích và đưa vào kế hoạch hoạt động của từng tháng, từng tuần, từng tiết dạy (tùy theo nội dung của từng bài mà tôi sắp xếp cho phù hợp với từng sự kiện).
2.3.2.Sưu tầm, sáng tác thơ và viết lời mới đồng dao mang nội dung phòng chống tai nạn thương tích.
A. Sáng tác thơ:
Đối với trẻ em, thơ là một kho tàng kiến thức vô cùng phong phú. Nhiều khi chúng ta không thể giải thích mọi việc bằng những câu nói khô cứng, khó hiểu, vì như vậy, trẻ rất khó tiếp thu. Nhưng khi những kiến thức ấy được đưa vào những câu nói có vần, có điệu thì trẻ sẽ vừa dễ tiếp thu, vừa dễ nhớ hơn. Chính vì vậy, tôi đã đưa các nội dung giáo dục phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ vào các bài thơ để những nội dung vốn rất khô cứng nay đã trở nên nhẹ nhàng hơn, cụ thể đó là những bài thơ do tôi tự sáng tác như sau:
Xuống cầu thang
Này các bạn nhỏ
Khi xuống cầu thang
Bé lưu ý nhé
Bước xuống cẩn thận
Nhớ đừng đùa nhau
Đừng lấy tay vịn
Làm cầu trượt chơi
Nhỡ mà bị rơi
Thì nguy hiểm lắm!
(sáng tác)
Đừng chơi gần bếp
Cái bếp là nơi nấu ăn
Bé ơi đừng có loanh quanh lại gần
Bếp ga, tủ lạnh, quạt trần
Nồi cơm, chảo điện rất gần tầm tay
Lại còn cả phích nước đầy
Không may ngã phải là gây bỏng liền
An toàn là việc đầu tiên
Bé ơi phải nhớ, tránh liền bếp thôi!
(sáng tác)
Đi dép lê
Đi dép lê
Không được chạy
Kẻo vấp ngã
Gãy trẹo chân
Rách áo quần
Tay lấm bẩn
Đi cẩn thận
Bước nhẹ nhàng
Chớ vội vàng
Các bạn nhé!
(sáng tác)
Nhắc bé
Cái mũi để thở
Cái miệng để ăn
Nghe được rõ rành
Là tai bé đấy
Không dùng que, gậy
Hột hạt, đồ chơi
Cho vào mọi nơi
Mắt, tai, miệng, mũi
Nhỡ gặp điều rủi
Thì biết làm sao
Phải nhớ lúc nào
Cũng luôn phòng tránh.
(sáng tác)
Không nên tự uống thuốc
Bé ốm phải uống thuốc
Không chẳng khỏi được đâu
Cảm cúm hay nhức đầu
Sâu răng hay đau bụng
Bác sỹ dặn thật đúng
Uống thuốc phải theo đơn
Hãy nhờ mẹ thì hơn
Bé đừng nên tự uống.
(sáng tác)
Không trêu chọc kiến
Con kiến nhỏ
Đốt rất đau
Bé bảo nhau
Đừng trêu nó
Nhớ đừng có
Chọc tổ kiến
Và cũng không
Đuổi theo nó
Kiến tuy nhỏ
Nhưng lại chăm
Nhìn thấy nó
Bé đừng sợ
Không trêu kiến
Sẽ chẳng sao
Nhớ chưa nào?
Cô dạy thế!
( sáng tác)
Đừng chơi trên hè phố
Vỉa hè, lòng đường
Không phải chỗ chơi
Xe cộ đông đúc
Cẩn thận bé ơi!
Đừng có ham chơi
Chạy theo trái bóng
Sẽ nguy hiểm lắm
Khi bóng xuống đường
Tai họa khôn lường
Bé ơi: "Đừng nhé!"
( sáng tác)
Bé luôn ghi nhớ!
Các bạn ơi đừng có
Đến gần nơi hồ ao
Hố sâu không chắn rào
Giếng khơi hay bể nước
Các bạn phải lường trước
Nhỡ sơ ý không may
Tụt xuống hố nước đầy
Thì làm sao cứu được.
( sáng tác)
B. Sưu tầm thơ:
An toàn với bé!
Bé đi mẫu giáo
Được học được chơi
Bé luôn nhớ lời
Mẹ và cô giáo
Giường ngủ, tủ áo
Bàn ghế, tường rào
Ở những nơi cao
Bé không trèo nhé.
Sàn nhà trơn trượt
Bé chẳng chạy đâu
Đừng xô đẩy nhau
Kẻo mà té ngã .
Bé chẳng chạy nhảy
Khi ra xếp hàng
Và nhớ đừng mang
Đồ chơi nguy hiểm
Súng hơi, dao, kiếm
Bé chẳng nghịch đâu
Luôn nhớ trong đầu
Lời cô lời mẹ.
An toàn con nhé!
Hãy nhớ đừng quên
(sưu tầm)
CÁI Ổ ĐIỆN
Đây là cái ổ điện
Dùng để cắm quạt vào
Bé đã biết chưa nào?
Đừng sờ vào"Giật đấy"!
Và không được dùng gậy
Kim loại, sắt và nhôm
Cho vào trong ổ điện
Và nhớ là phải biết
Không dùng kéo cắt dây
Bị giật sẽ rất gay
Nguy hiểm chết người đấy
Nhớ đừng làm như vậy
Thì mới là bé ngoan.
(Sưu tầm)
Con là thầy giáo
Chiều nay tan học về
Bé thì thầm hỏi bố
Bố ơi bố có nhớ
An toàn là gì không
Bố giả vờ bảo "Không"
Bé liền say sưa giảng
An toàn là phải biết
Tự bảo vệ bản thân
Nhớ không được đến gần
Những nơi nào nguy hiểm
Hồ ao hay nguồn điện
Là phải biết tránh xa
Ở trường hay ở nhà
Nhớ cũng đừng nghịch lửa
Đi đường bố phải nhớ
Đội mũ bảo hiểm vào
An toàn là thế đấy
Bố nghe bé nói vậy
Trong lòng thấy sướng vui
"Con bố giỏi thật rồi,
An toàn bố sẽ nhớ.
Bé giữ vệ sinh
Giờ ăn đến rồi
Bạn phải nhớ thôi
Rửa tay chưa nhỉ
Phải nhớ rửa kỹ
Cho sạch bạn ơi
Khi rửa xong rồi
Bạn đừng nghịch nước
Áo quần bị ướt
Cảm lạnh mất thôi
Tay rửa sạch rồi
Vào ngay bàn nhé
Ăn uống sạch sẽ
Đảm bảo vệ sinh
Giúp cho chúng mình
Nâng cao sức khỏe.
(sưu tầm)
Bé Mai bị ốm
Hôm nay đến lớp
Sao chẳng thấy Mai
Các bé hỏi nhau
Làm sao ấy nhỉ?
Bạn Hoa bật mí
Hôm trước ở nhà
Bạn Mai ăn quà
Ở ngoài hè phố
Nào kem nào bánh
Kẹo mút, ổi găng
|
Xoài xanh ,bò bía
Tối về đau bụng
Lời cô sao đúng
Ăn uống lung tung
Các loại đồ dùng
Đều không sạch sẽ
Làm hại sức khỏe
Bé hãy nhớ nghe
Ăn uống vỉa hè
Bé ơi tránh nhé
(sưu tầm)
|
Không xem tia hàn
Bố bé là thợ hàn
Hàn nhiều cửa, nhiều thang
Và rất nhiều mặt hàng
Đều qua tay của bố
Lời bố dặn bé nhớ:
Chỉ mình bố nhìn thôi
Vì bố có kính rồi
Nhìn sẽ không nguy hiểm.
Bé mà nhìn vào đó
Là mắt sẽ bị đau
Khi tia hàn tóe lửa
Sẽ làm bé đau đầu.
Bé vâng lời của bố
Không nhìn tia lửa hàn
Thế mới là bé ngoan
Biết giữ an toàn đấy.
(sưu tầm)
Khuyên bé !
Đường phố xe ngược , xe xuôi
Bé ơi bé nhớ không chơi lòng đường
Xe cộ qua lại bất thường
Xảy ra tai nạn không lường được đâu
"An toàn" luôn nhớ trong đầu
Lời cô bé đã khắc sâu trong lòng.
(sưu tầm)
Nhớ lời mẹ dặn
Mẹ bảo em bé ngoan
Không đi theo người lạ
Bé ngoan nói "Vâng ạ!"
Mẹ dặn con nhớ rồi!"
Con chỉ ở nhà thôi
Không chơi ngoài đường cái
Khi ra đường con phải
Có người lớn đi cùng
Không được chạy lung tung
Dưới lòng đường, hè phố
Đường rất nhiều xe cộ
Nhỡ va phải thì sao?
Con đã nhớ chưa nào?
"Con nhớ rồi mẹ
(sưu tầm)
Vườn cây nhà bé
Trong vườn nhà bé
Có rất nhiều cây
Xoài, bưởi, dâu tây
Hồng, cam, chuối,quýt.
Cây cà hoa tím
Cây mướp hoa vàng
Dưa chuột, dưa gang
Cả giàn thiên lý
Bé đã nhớ kỹ
Lời cô dặn rồi
Khi vào vườn chơi
Nhớ đừng hái quả
Không cho hoa lá
Vào miệng, vào tai
Không leo cây xoài
Chẳng may ngã đấy
Nguy hiểm như vậy
Bé chẳng làm đâu
Luôn nhớ trong đầu
Lời cô dặn bé. (sưu tầm)
Qua đường cùng mẹ
Khi đi qua đường
Và đi trên phố
Bé nắm tay mẹ,
Mẹ cầm tay em
Các bạn thử xem!
Sẽ không bị lạc
Không sợ xe đạp,
Xe máy va vào
Bé thật tự hào
Vì luôn có mẹ!
Mẹ đã giúp bé
Phòng tránh hiểm nguy
Bé sẽ chẳng đi
Một mình trên phố
Bạn ơi hãy nhớ
Phải nhờ mẹ thôi!
(sưu tầm)
Đối với các bài thơ dài, nhiều nội dung tôi đưa vào dạy trẻ trong hoạt động chung làm quen với văn học và cụ thể là các tiết dạy trẻ đọc thơ.Còn với những bài thơ ngắn, tôi dạy trẻ ở hoạt động chiều, khi trẻ đã thuộc các bài thơ này, tôi có thể cho trẻ đọc ở mọi lúc, mọi nơi tùy từng điều kiện cụ thể như trong tiết học, trước giờ ăn, trước khi hoạt động ngoài trời, trong giờ đón, giờ trả trẻ…
C. Viết lời mới một số bài bài đồng dao và tổ chức cho trẻ chơi:
Đồng dao là những bài học chập chững, sơ khai về cuộc sống. Các bài đồng dao thường đi kèm với những trò chơi: qua việc đọc và làm động tác theo những lời đồng dao, trẻ ít nhiều được luyện tập về chân tay, thị giác, khứu giác, trí não…Khi tham gia chơi các trò chơi đồng dao, trẻ được sinh hoạt tập thể cùng nhau, trở nên gắn kết với nhau hơn. Có rất nhiều các bài đồng dao khác nhau nhưng tôi đã lựa chọn các bài đồng dao có kèm theo các trò chơi tương ứng mà trẻ thường thích chơi nhất để viết lời mới.
Bài 1: Chiềng làng chiềng chạ
Chiềng làng chiềng chạ
Thượng hạ tây đông
Các bạn có biết
An toàn là bạn
Tai nạn là thù
Bé nên lắng nghe
Lời cô dạy đấy
Không được đùa nghịch
Kẻo ngã thì nguy
Không được lại gần
Ao ,hồ ,bể nước
Không được thò tay
Vào cây quạt máy
Sẽ nguy hiểm lắm
Khi nghịch bếp ga
Và nhớ nhất là
Đừng cho vào miệng
Những vật nguy hiểm
Sắc nhọn, nhỏ, to
Để giữ gìn cho
An toàn của bé.
(sáng tác)
* Cách chơi:
Trẻ chơi theo điệu giao mõ, khi đọc một câu thì trẻ sẽ cầm mõ nghiêng đầu, ký chân và gõ mõ. Cứ làm như thế cho đến khi đọc hết bài, câu cuối cùng trẻ sẽ gõ một hồi dài và nhanh.
Bài 2 : CHI CHI CHÀNH CHÀNH !
Chi chi chành chành
Bát cơm vừa xới
Chẳng vội ăn ngay
Kẻo lỡ chẳng may
Là bỏng ngay đấy
(sáng tác)
* Cách chơi:
Khoảng 3 - 4 trẻ một nhóm. Một trẻ làm "cái" xòe bàn tay ra. Ai bị "cái" bắt ngón tay thì xòe bàn tay ra đọc bài đồng dao cho các bạn chơi tiếp.
Hình ảnh minh họa: Trò chơi Chi chi chành chành
Bài 3: Kéo cưa lừa kít
Kéo cưa lừa kít
Đừng lấy hạt mít
Hạt bưởi, hạt na
Hạt lựu, hạt cà
Cho vào mũi nhé
Bé ngoan bé sẽ
Chẳng làm thế đâu
Bé nhớ trong đầu
Lời cô giáo dạy.
(sưu tầm)
* Cách chơi:
Hai trẻ ngồi đối diện nhau, hai tay nắm lấy nhau, cùng nhau vừa đẩy qua đẩy lại vừa đọc bài đồng dao.
Hình ảnh minh họa: Trò chơi Kéo cưa lừa kít
Bài 4: Rồng rắn đi chơi
Rồng rắn đi chơi
Vừa hát vừa cười
Đến thăm thầy thuốc
Đừng vội chen trước
Thong thả mà đi
Đừng có vội chi
Mà xô ngã bạn
Sứt đầu mẻ trán
Thầy chẳng bắt đâu!
Khúc đầu khúc cuối
Khúc trước ,khúc sau
Xếp hàng lần lượt
Bé trước lớn sau
Rồng rắn cùng nhau
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?
* Cách chơi:
- Một trẻ làm thầy thuốc, đứng hoặc ngồi một chỗ, các trẻ khác túm lấy đuôi áo nhau thành rồng rắn, đoàn người vừa đi vừa hát bài đồng dao.Đến câu cuối cùng thì đoàn người dừng lại trước mặt "thầy thuốc". Người đóng vai "thầy thuốc" trả lời: "Thầy thuốc đi chơi" hay "Đi chợ vắng". Đoàn người lại đi và hát tiếp cho đến khi thầy thuốc trả lời "có".Rồng rắn và thầy thuốc đối thoại với nhau:
+ Thầy thuốc: Mẹ con rồng rắn đi đâu?
+ Rồng rắn : Rồng rắn đi lấy thuốc cho con
+ Thầy thuốc: Con lên mấy?
+ Rồng rắn: Con lên một
+ Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon
+ Rồng rắn: Con lên hai
+ Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon
Cứ như thế cho đến khi "rồng rắn" trả lời:
+ Rồng rắn: Con lên mười
+ Thầy thuốc: Thuốc ngon vậy
Tiếp theo thầy thuốc đòi hỏi
+ Thầy thuốc: Xin khúc đầu
+ Rồng rắn: Cùng xương cùng xẩu
+ Thầy thuốc: Xin khúc giữa
+ Rồng rắn: Cùng máu cùng me
+ Thầy thuốc: Xin khúc đuôi
+ Rồng rắn: Tha hồ thầy đuổi.
Sau khi "Rồng rắn" trả lời xong thì "Thầy thuốc" sẽ tìm mọi cách đuổi bắt "Rồng rắn" để bắt khúc đuôi (Người cuối cùng trong hàng người). Trẻ đứng đầu sẽ dang tay ra cản "Thầy thuốc". Nếu thầy thuốc bắt được "Khúc đuôi" hoặc "Rồng rắn" bị đứt khúc hoặc ngã thì sẽ bị thua.
Hình ảnh minh họa : Trò chơi Rồng rắn đi chơi
Bài 5: Lộn cầu vồng
Lộn cầu vồng
Nước trong nước chảy
Bé không nên chạy
Khi mới ăn xong.
Không nên làm ồn
Khi ngồi trong lớp.
Đồ chơi bị vỡ
Hãy bỏ ra ngay
Kẻo lỡ đứt tay
Thì đau lắm đó
Viên bi, hạt hột
Không cho vào tai
Không tự ra ngoài
Khi đang ngồi học
Bàn ghế trong góc
Không được trèo leo
Bé nhớ đừng quên
Rồi ta cùng lộn.
(sáng tác)
* Cách chơi:
Mỗi nhóm có 2 trẻ nắm tay quay mặt vào nhau. Trẻ vừa đọc bài đồng dao vừa đưa tay sang hai bên theo nhịp của bài đồng dao. Đến câu cuối cùng của bài đồng dao thì trẻ lộn tay, quay lưng vào nhau. Cứ như thế trẻ tiếp tục đọc bài đồng dao cho đến câu cuối cùng thì lại lộn tay quay mặt vào nhau.
Hình ảnh minh họa : Trò chơi Lộn cầu vồng
Bài 6: Dung dăng dung dẻ
Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Hoạt động ngoài trời
Thích ơi là thích
Nhớ đừng đùa nghịch
Chạy nhảy lung tung
Phải luôn đi cùng
Cô và các bạn
Bé chẳng lấy cát
Để ném vào nhau
Bé chẳng chơi lâu
Ở trên cầu trượt
Bé nhớ không được
Cầm gậy cầm que
Bé nhớ phải nghe
Lời cô bé nhé!
- Cách chơi: Các trẻ nắm tay nhau, vừa đi vừa dung dăng dung dẻ theo nhịp của bài đồng dao. Đến câu "Cô và các bạn" hay "Lời cô bé nhé" thì tất cả trẻ ngồi sụpxuống một lát rồi đứng dậy đọc tiếp bài đồng dao
Bài 7: Thả đỉa ba ba
Thả đỉa ba ba
Khi mẹ vắng nhà
Bé không nghịch lửa
Chẳng trèo lên cửa
Chẳng trèo cầu thang
Bé chơi đồ hàng
Tập làm cô giáo
Tập may quần áo
Cho bạn búp bê
Lát nữa mẹ về
Sẽ khen bé giỏi
* Cách chơi:
- Vẽ hai đường thẳng song song dài 2m, rộng 3m giả làm con sông.
- Số trẻ chơi có thể 10 - 12 trẻ đứng thành vòng tròn, chọn một trẻ thuộc lời ca, cứ mỗi tiếng lại đập nhẹ tay vào vai một bạn. Tiếng cuối cùng rơi vào ai người ấy sẽ làm "đỉa". Nếu cần 2-3 trẻ làm "đỉa"
- Khi chơi các con "đỉa" đứng ở giữa sông. Các trẻ khác đứng ở ngoài vạch kẻ (bờ sông), tìm cách lội qua sông, sao cho các con :đỉa" không bắt được mình. Khi qua sông đọc: Sang sông-Về sông-Trồng cây-Ăn quả-Nhả hột. Khi đọc đến câu cuối cùng trẻ làm "đỉa" bắt đầu đuổi bắt những người qua sông, nhưng chỉ được bắt những người qua sông chưa tới bờ.
- Những người qua sông phải tìm cách chạy thật nhanh lên bờ sao cho "đỉa" không bắt được. Ai bị "đỉa" bắt phải đứng ra ngoài cuộc một lần chơi.
Các bài đồng dao sau khi sáng tác được tôi đã dạy trẻ và vận dụng trong các giờ chơi, giờ hoạt động ngoài trời, trong các hoạt động chuyển tiếp.
Hình ảnh minh họa : Trò chơi Thả đỉa ba ba
Với những bài hát sau khi viết lời mới, tôi sử dụng để dạy trẻ trong các giờ hoạt động âm nhạc, cụ thể là trong các tiết học dạy trẻ hát và vận dụng trong các giờ hoạt động góc, các buổi liên hoan văn nghệ…
D. Phối kết hợp với phụ huynh để dạy trẻ ở nhà.
Các nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ không chỉ xảy ra ở trường mà còn có thể xảy ra khi trẻ ở nhà. Vì thế sau khi sáng tác và viết lời mới cho một số bài thơ, đồng dao có nội dung phòng chống tai nạn thương tích, tôi tiến hành phô tô, đóng thành quyển và gửi cho phụ huynh. Với những bài hát, tôi tiến hành thu âm, làm thành đĩa nhạc và cũng gửi tới phụ huynh của trẻ để phụ huynh cùng phối kết hợp dạy và rèn trẻ ở nhà. Việc gửi các bài thơ, những đĩa nhạc thu âm cho phụ huynh là hình thức tốt nhất để cung cấp cho phụ huynh một nguồn tư liệu bổ ích để dạy và rèn trẻ những kiến thức, kĩ năng phòng chống tai nạn thương tích. Mặt khác nó còn giúp cho phụ huynh cũng nâng cao ý thức trong việc phòng chống tai nạn thương tích cho con.
2.4. Kết quả:
Qua quá trình sáng tác, viết lời mới và dạy trẻ những bài thơ, đồng dao có nội dung phòng chống tai nạn thương tích, tôi thu được một số kết quả như sau:
* Đối với giáo viên:
- Đã sáng tác và viết lời mới được tất cả 29 bài, trong đó có:
+ Đồng dao: 7 bài
+ Thơ : 16 bài.
- Đã nâng cao được khả năng sáng tác cho bản thân và có nguồn tài liệu để phục vụ công tác chăm sóc- giáo dục trẻ.
* Đối với trẻ:
- Sau khi được học các bài thơ, được chơi, được đọc các bài đồng dao trẻ tỏ ra rất hứng thú, tiếp thu kiến thức phòng chống tai nạn thương tích rất nhanh. Trẻ đã biết được những việc gì nên làm, việc gì không nên làm và từ đó biết tránh xa các nguy cơ có thể gây ra tai nạn thương tích cho mình.
- 100% trẻ được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trong năm học không xảy ra tai nan thương tích với trẻ.
* Đối với phụ huynh:
- Phụ huynh thực sự quan tâm, đã tìm hiểu thêm những kiến thức ,cách phòng chống tai nạn gây thương tích cho trẻ.Bên cạnh đó phụ huynh đã cùng phối kết hợp với giáo viên để dạy trẻ ở nhà những kiến thức, kĩ năng phòng tránh tai nạn thương tích.
- Phụ huynh có thêm nhiều kiến thức về các tai nạn thương tích thường hay xảy ra với trẻ.Từ đó họ quan tâm và phòng chống cho con em mình tốt hơn
III - KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận:
Việc sưu tầm, sáng tác thơ, viết lời mới cho một số bài đồng dao có nội dung phòng chống tai nạn thương tích là một việc rất cần thiết Các bài đồng dao, bài thơ được sáng tác, viết lời mới sẽ tạo ra một nguồn tư liệu phong phú cho giáo viên sử dụng để giáo dục trẻ cách phòng chống các tai nạn thương tích trong sinh hoạt hàng ngày. Mặt khác các bài đồng dao được viết lời mới có kèm theo trò chơi dân gian rất hấp dẫn và thu hút trẻ. Vì thế mà trẻ tỏ ra rất hứng thú, tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng và nhớ lâu hơn.
Khi trẻ tham gia các hoạt động làm quen với các bài đồng dao, bài thơ
mới không những giúp trẻ phát triển ngôn ngữ mà trẻ còn được củng cố các vận động, rèn luyện các tố chất thể lực, phát triển thẩm mỹ và tình cảm xã hội. Qua đó trẻ biết tự bảo vệ mình trước những nguy cơ gây tai nạn thương tích đang tiềm ẩn.
2. Kiến nghị:
Trên đây là một số những sưu tầm , sáng tác thơ viết lời mới cho dồng dao tôi đã thực hiện trong năm học 2016-2017 , rất mong nhận được sự góp ý của các đồng chí lãnh đạo, các bạn đồng nghiệp.
Xin trân trọng cảm ơn!