Tục ngữ Hán Việt có câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” (Trước hết là trách bản thân mình, sau mới trách người khác). Nếu cha mẹ nào thấy con không chủ động làm các việc nhà phù hợp với sức của mình thì thay vì trách móc con, cha mẹ hãy thử nhìn lại mình xem có phải chính mình đã “tiếp tay” cho thói xấu đó của con không nhé.
Chị Phan Hồ Điệp (giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam) từng kể trên báo về chuyện một học sinh giỏi đi du học tại Singapore từ năm lớp 11. Tháng nào mẹ em đó cũng mua vé máy bay từ Sài Gòn sang để giặt quần lót cho con. Lý do là các quần áo ngoài thì có người giặt nhưng quần lót thì họ yêu cầu tự giặt. Vì thế em đó cứ để vậy và chờ mẹ. Mẹ em kể chuyện xong rồi nói: “May mà bay từ Sài Gòn sang Sing cũng tiện”!
Nghe xong câu chuyện này, thoạt đầu chúng ta có thể trào lên nỗi bức xúc về người con quá lười nhác. Nhưng nghĩ lại thì mới thấy bà mẹ trong câu chuyện này đáng trách hơn. Bà mẹ sẵn sàng chịu phí tổn để từ Sài Gòn sang Singapore giặt đồ lót cho con mà không thấy đó là việc bất thường. Có lẽ bà mẹ này đã quen với việc giặt giũ quần áo cho con và nghiễm nhiên việc đó trở thành “việc của mẹ”. Nên đến khi đứa con đi du học thì vẫn cứ theo nếp đó, không tự tay giặt đồ lót của mình.
Giao việc nhà cho trẻ là việc nên làm
Theo chuyên gia tâm lý người Mỹ, Tiến sỹ Gary Chapman, một điều rất quan trọng là cha mẹ cần xây dựng cho trẻ ý thức rằng mình là một phần của gia đình và hiểu được trách nhiệm của bản thân với mọi người. Theo đó, trẻ cần có những trách nhiệm thực sự trong gia đình để làm cho cuộc sống của người thân trở nên tốt đẹp hơn. Những trách nhiệm này thường khác nhau trong mỗi gia đình nhưng chúng có thể bao gồm việc chăm sóc cho một đứa em, giúp cha mẹ nấu bữa tối, chăm sóc vật nuôi, cắt cỏ, tưới cây, trồng hoa, lau nhà hay giặt quần áo…
Cùng quan điểm đó, nhà văn-nhà báo người Mỹ Daniel H. Pink nhận định giao việc nhà cho trẻ là việc nên làm. Việc nhà cho trẻ thấy rằng gia đình được xây dựng dựa trên trách nhiệm chung, và rằng các thành viên trong gia đình cần phải giúp đỡ lẫn nhau.
Sở hữu 87 tỷ USD, gia đình tỷ phú công nghệ Bill Gates vẫn muốn cho con một sự nuôi nấng bình thường nhiều nhất có thể. Ba người con trong gia đình Bill Gates vẫn phải hoàn thành các công việc nhà và chỉ được bố mẹ cho một khoản tiền tiêu vặt rất “khiêm tốn”.
Chỉ làm cho con những việc con không tự làm được
Theo Tiến sỹ Gary Chapman, bố mẹ chỉ nên làm cho con những việc con không thể tự làm một mình. Bạn không thể cứ mãi đút cơm cho con khi con đã được 6 tuổi nhưng có thể dạy con cách trải ga giường khi trẻ lên 8 tuổi. Và tất nhiên, bạn cũng không nên đợi con vào đại học rồi mới dạy cho nó cách giặt quần áo.
Chuyên gia tâm lý Gary Chapman nhấn mạnh rằng, nguyên tắc quan trọng nhất mà bố mẹ nên nhớ là chỉ giúp con làm những việc mà chúng không thể tự làm được. Khi con còn bé, bạn giặt quần áo giúp con; nhưng khi chúng bắt đầu lớn, hãy dạy chúng cách thức giặt quần áo. Nếu không nhận thức được điều này, có thể bạn sẽ cản trở sự trưởng thành của con dưới danh nghĩa yêu thương.
Trong cuốn sách “5 ngôn ngữ tình yêu dành cho trẻ em” (NXB Trẻ), Tiến sỹ Gary Chapman khẳng định: “Những phụ huynh bận rộn đến mức không có thời gian dạy con giặt giũ quần áo hay quá cầu toàn đến mức không muốn con làm những việc này đều là những người không biết yêu thương con đúng cách và đã phần nào làm thui chột khả năng của con trẻ.”
Bố mẹ làm mẫu và hướng dẫn cho con
Trong cuốn sách “5 ngôn ngữ tình yêu dành cho bạn trẻ” (NXB Trẻ), Tiến sỹ Gary Chapman chia sẻ, trong khi tận tụy chăm sóc con, nhiều phụ huynh đã lo ngại rằng: “Nếu như tôi cứ phục vụ con thì biết đến khi nào nó mới biết tự chăm lo cho mình và cho những người xung quanh?”. Câu trả lời của nhà tư vấn hôn nhân và gia đình Gary Chapman là bạn phải biết làm mẫu và hướng dẫn cho trẻ.
Chuyên gia tâm lý Gary Chapman giải thích rằng, sự tận tụy phục vụ con là một bước trung gian. Chúng ta chăm lo cho con đến khi trẻ đủ độ chín để tự lập. Khi ấy, ta sẽ dạy cho con cách chăm lo bản thân cũng như quan tâm đến những người xung quanh. Việc làm này đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn và mất nhiều thời gian.
Theo Tiến sỹ Gary Chapman, làm giúp con những việc con chưa thể tự làm và hướng dẫn con làm theo chính là một cách mà cha mẹ có thể bày tỏ tình yêu của mình với con. Nhờ đó, con sẽ từ bỏ cái tôi ích kỷ để sống vì người khác. Và đó mới chính là mục tiêu cao nhất mà các bậc cha mẹ hướng đến.
Nguyên Chi