Yêu thương con cái, tự hào và hy vọng về sự phát triển tốt đẹp của con cái là bản tính và mục đích vươn tới của các bậc làm cha, làm mẹ. Phẩm chất ấy đã thể hiện tình mẫu tử cao đẹp, tinh thần trách nhiệm đáng quý mang tính truyền thống có từ xa xưa trong các gia đình Việt Nam. Tuy vậy, nhiều bậc phụ huynh đã vô tình phạm phải những sai lầm đáng tiếc trong việc giáo dục con khiến trẻ trở nên lười nhác và sẽ lúng túng khi bước vào cuộc sống tự lập sau này.
Bản chất của trẻ là hiếu động và hay bắt chước, thích làm theo các công việc hàng ngày của người lớn. Vì thế, cha mẹ không nên làm thay việc của con một cách không cần thiết. Không ít gia đình, các ông bố, bà mẹ đã làm thay con tất cả, còn trẻ thì bình thản ngồi chơi, xem ti vi. Điều này sẽ hình thành cho trẻ một thói quen xấu là né tránh công việc, dựa dẫm vào người khác sẽ không có lợi cho việc hình thành nhân cách quyết đoán cần có của trẻ khi bước vào cuộc sống. Vì vậy, tùy theo lứa tuổi, ngoài việc dành nhiều thời gian cho học tập, các bậc ông bà, cha mẹ cần hướng dẫn, khích lệ để con, cháu có ý thức tham gia những công việc trong gia đình như quét nhà, rửa ấm chén, dọn bàn ăn, gấp quần áo…
Trong việc giáo dục con cái, chúng ta không nên hy vọng là con cái sẽ giống mình. Câu tục ngữ “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” chỉ là sự di truyền khi con cái giống cha mẹ về nét mặt, dáng hình. Tuy vậy, các ông bố, bà mẹ đừng quá kỳ vọng con cái sẽ giống mình về tình cảm, ý chí, sở thích, nếu không muốn nếm mùi thất vọng khi phát hiện ra chúng có nhiều điểm khác biệt với mình. Trong thực tế ở nhiều gia đình, các bậc cha mẹ cứ băn khoăn, lo lắng vì sao con mình lại trầm tĩnh, ít nói? Vì sao con mình không mặn mà với nghề nghiệp mà bố mẹ đã gắn bó cả cuộc đời mà phấn đấu noi theo? Vì sao con mình có những sở thích sinh hoạt văn hóa, hướng đi cuộc đời không theo nguyên tắc giáo dục truyền thống gia đình? Tất cả những điều băn khoăn ấy đều lý giải được vì mỗi con người sinh ra đều thể hiện cá tính riêng và có trách nhiệm với bản thân mình trong môi trường xã hội phong phú và phức tạp. Có lẽ câu tục ngữ “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” sẽ phần nào khiến các bậc cha mẹ chúng ta yên tâm và chấp nhận. Như vậy, tính cách cá biệt của con trẻ đã được hình thành ngay từ nhỏ. Tính cách và thói quen ấy nếu nó vô hại, không ảnh hưởng tới đạo đức thì các bậc ông bà, cha mẹ không nên can thiệp vào mà nên tìm cách cảm thông, hòa đồng với con cái để giúp trẻ hoàn thiện được những nét tính cách tốt đẹp của mình trong cuộc sống. Những sở thích của các em về nghề nghiệp, về hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch… cần được các bậc cha mẹ khuyến khích, động viên.
Con cái là niềm tự hào của cha mẹ, niềm hạnh phúc của gia đình nhưng việc khen ngợi con hết lời không phải là biện pháp giáo dục đúng đắn. Vẫn biết là “có vàng, vàng chẳng hay phô/ có con, con nói trầm trồ mẹ khen” nhưng các bậc cha mẹ cần khen con có mức độ để động viên trẻ làm được những việc tốt hơn nữa trong học tập và trong công việc hàng ngày. Những mỹ từ “thổi phồng” quá mức về năng lực của trẻ như “cục vàng của cả nhà”, “thông minh nhất lớp”, “tuyệt vời không ai bằng”… hoặc khen con quá nhiều trước mặt mọi người sẽ khiến trẻ sớm ngộ nhận về mình từ nhỏ nảy sinh thói chủ quan, kiêu ngạo. Bên cạnh việc động viên mặt tốt của trẻ, các bậc cha mẹ cũng cần chỉ ra những khiếm khuyết của trẻ để trẻ tu dưỡng, vươn lên.
Điều cần chú ý là các bậc cha mẹ không nên vì nuông chiều con cái quá mức mà thỏa mãn những đòi hỏi của con trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Học sinh ở lứa tuổi THPT trong mối quan hệ bạn bè đa dạng, trong môi trường xã hội phức tạp rất dễ nảy sinh biểu hiện đua đòi về ăn mặc, vui chơi và tiện nghi trong sinh hoạt. Nếu cha mẹ không hướng cho con tập trung vào học tập mà thỏa mãn nhu cầu ăn chơi của con như mua một chiếc điện thoại kiểu mới, may sắm thêm mấy bộ quần áo mốt mới, thay một chiếc xe mới… thì đó là việc làm không nên. Chiều chuộng như thế trẻ sẽ không có ý thức tiết kiệm, sẽ chỉ biết dựa dẫm vào cha mẹ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân của mình. Một cách làm có ý nghĩa giáo dục hơn là chúng ta biến việc mua sắm cho trẻ thành một phần thưởng khi trẻ đạt được thành tích tốt trong học tập.
Các bậc ông bà, cha mẹ cũng không nên quan tâm quá nhiều đến thế giới riêng tư của con trẻ. Tuy còn trong độ tuổi học trò nhưng các em đã sớm có ý thức về tính độc lập, tự chủ biểu hiện qua thói quen, tính cách, qua mối quan hệ với bạn bè, xã hội. Cha mẹ quan tâm tới đời sống tinh thần, tới tâm tư tình cảm của con cái là đúng nhưng nếu sự quan tâm ấy trở thành những lời tra hỏi nặng nề sẽ gây bức xúc, khó chịu đối với các em, nhất là đối với các em đã bắt đầu lớn ở bậc học THCS, THPT. Thế giới riêng tư của các em được ẩn chứa trong nhật ký, trong tin nhắn điện thoại, trong Facebook và email nếu cha mẹ tự ý tìm hiểu, kiểm soát sẽ làm các em thiếu niềm tin ở cha mẹ khi cảm thấy mình bị coi thường. Thái độ gần gũi, tâm tình để chia sẻ suy tư của bố mẹ đối với con cái vẫn là một cách làm đúng đắn để con trẻ tin yêu.
Việc giáo dục con cái để các em ngoan ngoãn, có ích cho gia đình và xã hội là một việc làm cần thiết, thường xuyên mang tính nghệ thuật. Có nhiều biện pháp giáo dục các em một cách hiệu quả nên các bậc phụ huynh cần chú ý để không mắc phải những sai lầm đáng tiếc trong việc dạy con.
Tác giả: Trần Cự Nguồn tin: Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số tháng 12/2016