Bệnh tay chân miệng thường sẽ bắt đầu với các triệu chứng thông thường như sốt, đau họng, khó nuốt, mệt mỏi, buồn nôn,… Sau đó, trẻ mắc bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng điển hình hơn, phát ban đỏ ở trên da, tập trung chủ yếu ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, chân, vùng mông.
Tay chân miệng là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi các virus đường ruột. Virus Coxsackie A16 và Enterovirus 71( EV71) là hai chủng virus gây bệnh thường gặp nhất. Trong đó, các trường hợp mắc bệnh do EV71 có diễn biến nhanh chóng, nặng, nguy cơ gặp biến chứng cao hơn, thậm chí gây tử vong cho trẻ. Ngoài ra, bệnh có thể gây ra bởi sự xâm nhập của một số chủng virus nhóm A khác như Coxsackie A4 – A7, A9, A10 hoặc virus nhóm B như Coxsackie B1 – B3, B5.
Bệnh tay chân miệng có thể xay ra quanh năm. Tuy nhiên, bệnh sẽ có xu hướng bùng phát mạnh, nguy cơ tạo thành dịch bệnh cao vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 và tháng 9 đến tháng 12 hằng năm. Hơn nữa, tay chân miệng là bệnh do virus gây ra, lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa nên bệnh rất dễ lây lan khi vệ sinh không được đảm bảo, thường gặp ở các trường học, nhà trẻ,…
CÁCH PHÒNG NGỪA TAY CHÂN MIỆNG
1. Vệ sinh tay, chân sạch sẽ với xà phòng
Trẻ em nên tập thói quen thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn đúng cách. Các thời điểm đặc biệt, trẻ cần lưu ý rửa tay kỹ gồm:
Trước khi ăn;Sau khi đi vệ sinh;Sau khi ho, hắt hơi, xì mũi.
Bên cạnh đó, khi chăm sóc, thay tã cho trẻ, bố mẹ cũng nên rửa tay cẩn thận với xà phòng khử khuẩn.
2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống
Để ngăn ngừa trẻ mắc bệnh tay chân miệng cũng như bảo vệ sức khỏe một cách toàn diện, mẹ nên chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ. Ngoài việc thường xuyên rửa tay trước khi nấu ăn, giữ các đồ dùng nấu năm sách sẽ, được khử trùng đúng cách, mẹ nên chú ý lựa chọn các loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, mẹ nên đảm bảo cho trẻ ăn chín, uống sôi, không ăn bốc, mút tay, không mớm cơm cho trẻ.
3. Vệ sinh đồ chơi, đồ dùng
Đồ chơi của trẻ, nhất là những đồ chơi dùng chung, nên được vệ sinh, khử trùng hàng ngày hoặc sau mỗi buổi chơi. Bố mẹ nên rửa đồ chơi với nước, xà bông và khử trùng với các dung dịch tẩy rửa chuyên dụng, sau đó tráng lại với nước và lau khô bằng khăn sát trùng. Lưu ý, với những đồ chơi không thể rửa được với nước, bố mẹ nên dùng cồn khử khuẩn, lau sạch các góc, hốc cạnh, hay các chỗ bị nứt.
4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh
Tay chân miệng là một bệnh lý có khả năng lây lan nhanh chóng, do đó, bố mẹ nên tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc với người có dấu hiệu mắc bệnh.
Ngoài ra, bố mẹ nên hạn chế cho trẻ chạm tay lên mắt, mũi hoặc miệng của mình virus có thể tồn tại trên tay và gây bệnh khi trẻ thực hiện các hoạt động này. Tốt nhất, bố mẹ không cho trẻ chạm tay lên mắt, mũi, miệng, nhất là khi chưa rửa tay.
5. Sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ
Virus gây bệnh tay chân miệng có thể tồn tại lâu ở môi trường bên ngoài. Do đó, việc khử trùng, lau chùi, dọn dẹp không gian sống sạch sẽ là một trong những biện pháp phòng ngừa quan trọng không chỉ có tác dụng ngăn ngừa tay chân miệng mà còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý khác ở trẻ. Bố mẹ nên chú ý thường xuyên khử trùng các bề mặt được chạm vào nhiều như tay nắm cửa, bàn ăn, ghế,… để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tay chân miệng .
6. Đến cơ sở y tế nếu có dấu hiệu mắc bệnh
Khi chăm sóc trẻ tại nhà, bố mẹ nên chú ý tới các biểu hiện của trẻ nhằm phát hiện và đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám sớm khi trẻ có các biểu hiện bệnh như sốt cao, li bì, mệt mỏi,…