1. Kích thích trẻ phát triển ngôn ngữ
Trẻ nhỏ sinh ra đã có sẵn một vùng ngôn ngữ bẩm sinh nên việc ghi nhớ và sử dụng kể cả những từ khó bé đều tinh thông, mà điều này người lớn dần mất đi. Nếu trẻ nhỏ có 100% năng lực tiềm tàng thì người lớn chỉ có 5% mà thôi, vì thế hãy nạp thật nhiều từ ngữ để nó in sâu vào tiềm thức của bé, kể cả ngoại ngữ. Càng dạy nhiều từ thì trí não trẻ càng phát triển, càng trở thành một đứa trẻ thông minh.
Tất nhiên, điều này khiến bé cần sự trợ giúp của ba mẹ và những người xung quanh nhiều hơn. Mỗi lần tắm, ăn cơm, đi chơi hay thay quần áo cho con mẹ đều phải nói chuyện với con. Trò chuyện nhiều hơn với bé mỗi ngày, bé sẽ ghi nhớ sâu sắc những gì mẹ truyền đạt và vốn từ vựng của bé phong phú hơn.
2. Sẽ thật tuyệt nếu trẻ thích học nhạc cụ
Bạn hãy cho trẻ học nhạc cụ nào đó, nếu thấy rằng con bạn cũng thích được học. Đây sẽ là điều tuyệt vời để trẻ phát triển trí não, tư duy và những đức tính cần thiết trong cuộc sống.
Nhạc cụ rèn cho bé tính kiên nhẫn, khả năng tư duy, sự cảm thụ, sáng tạo, luyện trí nhớ và giúp trẻ tự tin hơn.Khi chọn cho trẻ học nhạc cụ, bạn nên để ý đến những điểm như, trẻ có hứng thú với nhạc cụ đó không? Trẻ có thích âm thanh và cảm nhận do nhạc cụ đó mang lại không? Nhạc cụ đó có quá khó với trẻ không?
Cho bé học không ngừng nhưng phải kiên trì từng chút một, “chậm sẽ chắc”. Đừng nhét quá nhiều thứ vào đầu trẻ mà quên mất giới hạn chịu đựng của trẻ, sẽ khiến trẻ bị áp lực và không còn hứng thú khám phá kiến thức nữa.
3. Cho trẻ cảm nhận một môi trường an toàn (không khiến trẻ bất an)
Nhiều khi chính ba mẹ thầy cô lại là người đem đến cảm giác bất an cho trẻ. Ví dụ, rất nhiều trường hợp cô giáo mầm non thường nói với trẻ “con ăn ngoan thì mẹ mới đến đón, con không ăn ngoan thì mẹ không đón con đâu nhé”. Nhiều phụ huynh thậm chí cũng đồng tình với kiểu dọa này, mục đích là để trẻ ăn ngoan, mà không nghĩ rằng những điều nhỏ nhặt như vậy cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý trẻ.
Ở tuổi còn nhỏ, bé đang còn rất non nớt về mặt tâm lý. Người lớn vô ý có thể gây áp lực lên con. Nên nhớ rằng việc trẻ mang cảm giác bất an ở tuổi thơ sẽ để lại hệ quả tâm lý dai dẳng kéo dài đến tuổi trưởng thành (như dễ tổn thương, sợ hãi, thiếu tự tin…).
Chính vì vậy, trẻ cần phải luôn cảm nhận được sự an toàn mới có thể phát triển hết các tố chất của mình, sẵn sàng học hỏi và khám phá mà không bị sợ hãi.
Nếu bạn thực sự muốn có những đứa con thông minh hơn, hãy cho những đứa trẻ cảm thấy rằng cha mẹ luôn luôn đứng bên chúng. Sự hỗ trợ và khuyến khích của cha mẹ là yếu tố thúc đẩy chưa từng có đối với trẻ. Đừng bao giờ để con bạn cảm thấy rằng nó là một hòn đảo cô đơn xa thế giới của cha mẹ. Hãy đưa trẻ tham gia vào các hoạt động giản dị nhất của gia đình, điều này rất tốt cho trẻ.
Nhớ rằng, có rất nhiều cách để giúp trẻ ngoan ngoãn nghe lời thay vì khiến con cảm thấy lo lắng bất an, bạn nhé.
4. Không khen ngợi con quá mức
Trẻ em cần những lời khen ngợi, động viên trong suốt quá trình học hỏi và phát triển. Tuy nhiên, lưu ý quan trọng là, dù không nên chê trẻ nhưng ba mẹ cũng đừng nên khen ngợi con quá mức.
Một nghiên cứu trên học sinh lớp 5 của một trường tiểu học ở Mỹ chỉ ra rằng, trẻ được khen ngợi quá mức lại có kết quả kiểm tra với điểm số thấp hơn những trẻ bình thường.
Vì sao lại như vậy?
Việc cứ luôn nói rằng “con thật xuất sắc” sẽ khiến trẻ giảm khả năng tự lập, sợ thất bại và không có động lực để cố gắng.
Vì vậy ba mẹ hãy lưu ý, khen ngợi con là điều nên làm, nhưng khen ngợi quá mức có thể sẽ gây hậu quả ngược lại. Nên cho trẻ những lời khen chân thành, cụ thể. Khen trẻ là kích thích trẻ phấn đấu chứ không nên “bơm phồng” sự thật để chính bản thân đứa trẻ cảm thấy mình là số một.
5. Trẻ vui vẻ = trẻ thành công
Những đứa trẻ cần sự vui vẻ làm chất xúc tác cho sự khám phá học hỏi của trẻ được toàn diện nhất. Trẻ vui vẻ = trẻ thành công, thực sự là như vậy. Trẻ sẽ rất hăng hái và sáng tạo nếu chúng vui vẻ. Có thể bạn chưa thể đáp ứng hết tất cả nhu cầu vật chất cho con như kỳ vọng. Nhưng hãy đem đến cho con môi trường thân ái và vui vẻ nhất có thể.
Thêm nữa, trí thông minh về IQ không phải là tất cả. Sự vui vẻ đặc biệt sẽ giúp trẻ phát triển về trí tuệ cảm xúc (EQ), đạo đức và sự đồng cảm, là yếu tố rất lớn ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc và sự thành công của trẻ sau này.
Chúc bạn luôn tràn đầy tình yêu thương và sự am hiểu trong việc chăm sóc bé yêu mỗi ngày.