Trước bước thềm hội nhập quốc tế, nhân tố con người giữ vai trò quan trọng trong việc quyết định sự tồn tại và phát triển của tất cả các lĩnh vực kinh tế chính trị - văn hóa xã hội của đất nước. Do đó, nhiệm vụ cấp bách của giáo dục và đào tạo là phải hướng tới phát huy hết khả năng, năng lực cá nhân, kích thích sự tham gia đóng góp chủ động tích cực của mỗi thành viên trong xã hội nói chung và người học nói riêng.
Để đạt được chất lượng giáo dục con người kỉ nguyên mới, dưới sự chỉ đạo của Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội, phòng Giáo dục & Đào tạo quận Thanh Xuân, trường mầm non Tràng An đã triển khai thực hiện hiệu quả Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Sau 5 năm thực hiện, nhà trường đã tiếp cận với quan điểm giáo dục hiện đại, thay đổi nhận thức của đội ngũ CB, GV, NV và phụ huynh học sinh trong công tác giáo dục trẻ để bắt kịp với xu thế mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
I. Quá trình và kết quả triển khai thực hiện chuyên đề:
- Tháng 4/2016, nhà trường được chọn cử 01 đồng chí Phó hiệu trưởng tham gia tập huấn cấp Bộ về việc áp dụng Bộ tiêu chí thực hành theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
- Tháng 6/2016, nhà trường nhận quyết định của Bộ GD&ĐT là đơn vị điểm cho 10 tỉnh thành về việc áp dụng Bộ tiêu chí thực hành theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
- Năm học 2016 – 2017, nhà trường được Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội, phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân trực tiếp hướng dẫn chỉ đạo công tác điểm thực hành áp dụng Bộ tiêu chí theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
+ Tháng 10/2016, nhà trường đón 10 tỉnh thành, các trường mầm non tại thành phố Hà Nội và 100% các trường mầm non trên địa bàn quận Thanh Xuân đến giao lưu học hỏi về việc áp dụng Bộ tiêu chí theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. (Mỗi đoàn gồm hơn 100 người là Cán bộ quản lý; Giáo viên; Phụ huynh học sinh ). Nhà trường đã xây dựng 04 hoạt động kiến tập cấp Bộ, 04 hoạt động kiến tập cấp Thành phố, 04 hoạt động kiến tập cấp Quận. 100% các hoạt động đều được đánh giá kết quả tốt.
+ Học kì II năm học 2016-2017, nhà trường đón đoàn cán bộ giáo viên tỉnh Thừa Thiên Huế (100 người ) đến giao lưu và học hỏi.
Hình ảnh minh họa
Nhà trường tổ chức đón các đoàn kiến tập của Bộ GD&ĐT;
đoàn Cán bộ, Giáo viên tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ kinh nghiệm
- Năm học 2017-2018, nhà trường tiếp tục triển khai đại trà việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. 100% cán bộ, giáo viên, được tham gia tập huấn về chương trình giáo dục mầm non mới. Nhà trường mời chuyên gia về giảng dạy tại trường, xây dựng 9 hoạt động kiến tập cấp trường cho 100% cán bộ, giáo viên, tham dự, rút kinh nghiệm về xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm.
+ Học kì I năm học 2017-2018, trường được chọn làm điểm cấp Quận, tổ chức 03 hoạt động kiến tập chuyên đề phát triển nhận thức cho trẻ mầm non; 03 hoạt động kiến tập đón đoàn cán bộ quản lý giáo viên tỉnh Hà Nam (120 người ) đến tham quan, giao lưu, học hỏi về việc xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm.
+ Học kì II năm học 2017-2018, nhà trường tham gia và đạt Giải nhất cấp Thành Phố Hội thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở giáo dục mầm non” .
Hình ảnh minh họa
Giấy khen của Sở GD&ĐT Hà Nội, đơn vị đạt giải Nhất,
Hội thi “ Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm
trong cơ sở giáo dục mầm non” năm học 2017-2018
- Năm học 2018-2019, nhà trường làm điểm kiến tập cho các trường mầm non quận Thanh Xuân, với 04 hoạt động kiến tập chuyên đề phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non. Năm học 2019-2020 với 04 hoạt động kiến tập chuyên đề phát triển thẩm mĩ cho trẻ mầm non.
Hình ảnh minh họa
Hoạt động kiến tập lĩnh vực phát triển thẩm mỹ
Kết Quả: Sau 5 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, trường mầm non Tràng An đã thay đổi toàn diện về xây dựng môi trường hoạt động cho trẻ cũng như nhận thức giáo dục trẻ của nhà trường, mở ra cho cả đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh cái nhìn đúng đắn về giáo dục lấy trẻ làm trung tâm – một vấn đề mà trong những năm gần đây chúng ta đưa ra nhưng chưa thực hiện đúng nghĩa. Qua việc thực hiện chuyên đề giúp cho đội ngũ nhà trường biết cách chủ động xây dựng cách thức và biện pháp linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế, nâng cao năng lực của đội ngũ.
Nhà trường đã xây dựng được môi trường thực sự vì trẻ em, hướng tới những không gian trẻ thực sự được phát huy hết khả năng của mình, được tôn trọng, được chủ động tích cực hoạt động sáng tạo và nêu lên những ý kiến cá nhân, được lựa chọn theo sở thích, được là chính trẻ. Việc này cũng giúp cho người giáo viên nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trước trẻ: người hướng dẫn, người hỗ trợ, người tổ chức, người đồng hành cùng trẻ. Một lần nữa khẳng định khả năng của trẻ để chúng ta đánh giá đúng đối tượng mà chúng ta đang tác động giáo dục.
II. Bài học kinh nghiệm, các giải pháp thực hiện Chuyên đề:
1. Về công tác chỉ đạo xây dựng kế hoạch giáo dục:
- Ngay từ năm đầu thực hiện chuyên đề, Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn trao đổi ( tập hợp các ý tưởng và kinh nghiệm của cả tập thể), thiết kế ngân hàng các hoạt động giáo dục phù hợp với khả năng của trẻ và điều kiện thực tế của nhà trường, từ đó giáo viên dựa trên đặc điểm tình hình khả năng và sở thích của trẻ, để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp, các kế hoạch xây dựng trên cơ sở mục tiêu phát triển và kết quả mong đợi của các lứa tuổi, đáp ứng nhu cầu và hứng thú của trẻ trong độ tuổi.
- Các kế hoạch được thiết kế với thời gian, nội dung cụ thể, cho phép giáo viên điều chỉnh linh hoạt trên thực tế. Giáo viên có thể trò chuyện trao đổi với trẻ về những điều trẻ mong muốn được biết, được khám phá để từ đó xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động cho trẻ. Nhà trường không gò ép giáo viên phải thực hiện trong một kế hoạch định sẵn hay phiên chế chung, mà đòi hỏi ở giáo viên sự sáng tạo để hấp dẫn trẻ mỗi ngày đến trường. Hệ thống chủ đề sự kiện năm học hướng đến các sự kiện lớn, đặc điểm vùng miền, những gì trẻ yêu thích muốn tìm hiểu khám phá…..
2. Về công tác xây dựng và sử dụng môi trường:
- Nhà trường rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, sửa chữa nâng cấp hệ thống điện, nước… Năm 2017-2018 được đầu tư cải tạo sửa chữa kinh phí gần 4 tỷ đồng, đảm bảo cho trẻ được hoạt động trong một môi trường thoáng mát, sạch sẽ, an toàn, thân thiện và hướng tới trẻ làm trung tâm.
- Nhà trường thiết kế các khu vui chơi ngoài trời gần gũi với thiên nhiên như khu vui chơi cát nước, vườn cây của bé, vườn cổ tích, các góc dân gian thể hiện văn hóa đặc trưng của Hà Nội, hướng tới môi trường thẩm mĩ, thân thiện với trẻ, tạo không gian cho trẻ hoạt động tích cực với tâm thế thoải mái tự do.
- Các lớp học được trang trí với màu sắc nhẹ nhàng, sắp xếp gọn gàng, không gian xanh mát với những chậu cây nhỏ và hệ thống cửa sổ thoáng đãng để đón ánh sáng.Trong lớp các góc được sắp xếp bố trí hợp lý linh hoạt phù hợp đặc điểm lứa tuổi trẻ với các giá kệ có bánh xe dễ di chuyển tạo góc. Các góc động được bố trí ở phòng riêng ngăn cách với các góc hoạt động cần yên tĩnh. Đặc biệt nhà trường đã kết hợp tạo góc sách với thiết kế ấm cúng nhẹ nhàng cho trẻ có không gian thư giãn nghỉ ngơi nếu trẻ có nhu cầu, tạo môi trường chữ cái cho lứa tuổi mẫu giáo lớn.
- Đồ dùng đồ chơi trong lớp ngoài các hạng mục đảm bảo theo Thông tư 01, nhà trường còn đầu tư các trang thiết bị hiện đại, giáo viên thường bổ sung các nguyên vật liệu thiên nhiên, nguyên vật liệu phế liệu có thể tái chế, các nguyên vật liệu mang tính mở để trẻ được hoạt động tích cực, phát huy hết khả năng sáng tạo.
- Ngoài việc chú trọng xây dựng môi trường thân thiện trong và ngoài các lớp học, nhà trường còn xây dựng môi trường thân thiện trong các khu của trẻ, và các nhà vệ sinh của trẻ, đảm bảo đủ các đồ vệ sinh cá nhân cho trẻ ( nước rửa tay, dép, cây xanh, bản nhạc). Khi trẻ vào đi vệ sinh có các lời nhắc trẻ phải cất dép gọn gàng, đi vệ sinh đúng nơi quy định.
- Từ năm học 2017-2018 nhà trường đã thực hiện mô hình vệ sinh công nghiệp đảm bảo môi trường hoạt động cho trẻ luôn sáng, xanh, sạch , đẹp, hấp dẫn, an toàn và thân thiện.
Hình ảnh minh họa
Môi trường ngoài lớp học thiết kế với nhiều nguyên vật liệu thiên nhiên,
tạo môi trường gần gũi, thân thiện
3. Về công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên:
- Nhà trường tập trung bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho giáo viên về giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Định hướng cho giáo viên chia nhóm trong công tác quản lý học sinh để tìm hiểu đặc điểm tâm sinh lí từng trẻ , qua đó xây dựng các hoạt động cho phù hợp với trẻ lớp mình.
- Xây dựng các tiết chuyên đề “ Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” cùng nhau trao đổi, thay đổi các hình thức và phương pháp giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm theo hệ thống câu hỏi mở, nguyên vật liệu mở , giáo viên không được áp đặt trẻ mà chỉ là người gợi mở, dẫn dắt, hướng dẫn để trẻ suy nghĩ, đưa ra ý kiến cá nhân và tự giải quyết vấn đề, tôn trọng mọi ý kiến cá nhân của trẻ.. Trẻ sẽ được học thông qua chơi và tự trải nghiệm. Trong các hoạt động chơi, giáo viên cần cung cấp cho trẻ nguồn nguyên vật liệu phong phú hấp dẫn và an toàn với trẻ kích thích trẻ tích cực hoạt động, đặc biệt sản phẩm của trẻ ở hoạt động trước sẽ được sử dụng trong các hoạt động sau và trong trang trí lớp học được tận dụng tối đa giúp trẻ trân trọng hơn thành quả của mình của bạn.
- Nhà trường đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có các quy tắc ứng xử đối với trẻ ( trích từ Bộ tiêu chí ) giúp giáo viên tự rèn luyện cho mình hình thành thói quen giao tiếp với trẻ hàng ngày.
Hình ảnh minh họa
Những buổi sinh hoạt chuyên môn xây dựng các chuyên đề “ Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” đồng thời ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới.
4. Hợp tác với cha mẹ chăm sóc giáo dục trẻ:
- Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh học sinh toàn trường, thông tin tới 100% phụ huynh học sinh về đặc điểm, kế hoạch hoạt động của nhà trường, lớp; Giới thiệu phương pháp giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm; Trao đổi, tiếp nhận ý kiến của phụ huynh học sinh để xây dựng kế hoạch hoạt động của ban phụ huynh thực sự đạt hiệu quả. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền thông qua hệ thống biểu bảng, công thông tin điện tử của nhà trường, tin bài…..
- Nhà trường đã thu hút được sự ủng hộ, phối hợp của hội cha mẹ học sinh đồng hành cùng nhà trường trong nhiều hoạt động như: Sơn sửa phòng lớp, công tác xã hội hóa đóng góp các đồ dùng đồ chơi, cây cảnh. Thiết kế các góc hoạt động chung trong trường để phụ huynh và các con đều có không gian hoạt động.
Hình ảnh minh họa
Góc tuyên truyền với cha mẹ học sinh những nội dung cha mẹ cần biết
Trang Web của nhà trường với những kênh dành riêng cho phụ huynh học sinh, giúp giữ mối liên hệ giữa phụ huynh học sinh và nhà trường
Những buổi trao đổi trực tiếp với phụ huynh học sinh
trong công tác phối hợp chăm sóc, giáo dục trẻ
5. Công tác thi đua khen thưởng
- Ngay từ đầu năm học nhà trường đã phát động phong trào thi đua xây dựng trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm, gắn nội dung xây dựng trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm làm một trong những nội dung thi giáo viên giỏi cấp trường, chấm lớp mẫu giáo đủ điều kiện. Hàng tháng đánh giá như một tiêu chí thi đua.
- Nhà trường tổ chức sơ kết tổng kết chuyên đề "Xây dựng trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm" hàng năm. Khen thưởng cán bộ giáo viên thực hiện tốt chuyên đề. Biểu dương cá nhân nhân rộng điển hình, làm mẫu cho toàn trường thực hiện.
- Phát động phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm về chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm", khen thưởng các sáng kiến kinh nghiệm có kết quả thiết thực đối với thực tế nhà trường.
-Tổ chức hội thi làm đồ dùng đồ chơi, trao giải thưởng "Bàn tay vàng" cho các cán bộ, giáo viên có nhiều đóp góp trong việc trang trí tạo môi trường sư phạm lấy trẻ làm trung tâm.
- Tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa giáo viên các lớp tạo sự lan tỏa trong nhà trường. Thi đua viết về người tôt việc tốt chính là những tấm gương điển hình tiên tiến đã đóng góp nhiều thành tích trong phong trào thi đua xây dựng trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm.
Nhà trường đạt được nhiều bằng khen của các cấp lãnh đạo trao tặng cho nhà trường trong công tác thi đua xây dựng lấy trẻ làm trung tâm