Dự Hội nghị có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Dân Vận trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội khuyến học Việt Nam, Hiệp hội các trường đại học; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia TPHCM; lãnh đạo các địa phương tại 63 điểm cầu tỉnh/thành phố.
Hội nghị có sự tham dự của nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Minh Hiển, các Thứ trưởng Bộ GDĐT: Phạm Ngọc Thưởng, Nguyễn Hữu Độ, Ngô Thị Minh, Hoàng Minh Sơn; đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ GDĐT và một số chuyên gia, đại diện trường đại học.
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhìn nhận lại những khó khăn, cũng như nỗ lực của toàn ngành trong năm học vừa qua, để kiên trì, tiếp tục theo đuổi và củng cố chất lượng, hoàn thành mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành các nhiệm vụ lớn của năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục.
Cho biết, Bộ GDĐT đã đánh giá kết quả đạt nước trong năm học vừa qua, đặc biệt đã nhìn nhận nghiêm túc những tồn tại một số tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp để khắc phục trong năm học tới, Bộ trưởng mong muốn, các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ có nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là đóng góp ý kiến, giải pháp để ngành Giáo dục làm tốt hơn nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Linh hoạt ứng phó, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ năm học
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021-2022, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Năm học 2021-2022 được triển khai trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động của ngành. Nhiều nhiệm vụ quan trọng không thể tiến hành theo đúng kế hoạch, ảnh hưởng tới phát triển đội ngũ, tài chính, việc dạy, học và đảm bảo chất lượng giáo dục; tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh. Trong bối cảnh đó, ngành Giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ của năm học.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn báo cáo tại Hội nghị
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ GDĐT đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai dạy học; hướng dẫn tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng. Khi tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Bộ GDĐT và chính quyền các địa phương, hầu hết các tỉnh, thành phố đã cho trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên các cấp đi học trở lại trong tháng 02/2022.
Năm học 2021-2022 chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020.
Kết thúc đợt thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2022, các đội tuyển đều đạt thành tích vượt trội và dư luận xã hội đánh giá cao, với: 12 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng; 05 Bằng khen. Đặc biệt, đội tuyển Olympic Toán học Quốc tế, có một học sinh đạt điểm tuyệt đối 42/42 điểm.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thành công, bảo đảm nghiêm túc, công bằng và an toàn, với tổng số thí sinh dự thi là 989.863, đạt tỷ lệ 98,75% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Đây cũng là năm đầu tiên thí sinh đang học lớp 12 thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến trên hệ thống quản lý thi.
Một trong những nhiệm vụ đã được toàn ngành triển khai tích cực trong năm qua, là tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên. Trong năm, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026.
Bộ GDĐT cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện một số chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 nhằm nâng cao đời sống đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập nhằm khắc phục hậu quả do dịch COVID-19.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, trong năm học 2021-2022, Bộ GDĐT đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định, đề án, kế hoạch, trong đó đã phân công và tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương trong quản lý và phát triển GDĐT.
Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục; tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục; quan tâm giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; nâng cao hiệu quả giáo dục thể chất, y tế trường học và giáo dục quốc phòng, an ninh… cũng là những nhiệm vụ đã được ngành Giáo dục tích cực thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng trong năm học vừa qua.
Còn những khó khăn cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, khó khăn cần phải được khắc phục không chỉ trong năm học mới 2022-2023 mà còn trong những năm tiếp theo. Đó là chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng bởi thời gian học trực tuyến kéo dài; là tình trạng thừa - thiếu giáo viên; mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục; công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên còn chưa chủ động, kịp thời…
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại Hội nghị
Thảo luận tại Hội nghị, đại diện các địa phương, đại học, trường đại học thống nhất cao với báo cáo tổng kết năm học 2021-2022 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2022-2023; đồng thời chia sẻ thêm những việc địa phương, nhà trường đã làm được, những khó khăn vướng mắc và giải pháp đặt ra cho năm học mới.
Đối với các địa phương, khó khăn lớn hiện nay là thiếu giáo viên, nhất là bậc mầm non, tiểu học. Mặc dù đã được bổ sung biên chế, nhiều địa phương đã có giải pháp đặc thù để thu hút giáo viên nhưng đây vẫn là việc khó vì thiếu nguồn tuyển, nhất là với những môn học mới sẽ triển khai trong năm học tới đây. Tình trạng giáo viên bỏ việc cũng được đại diện tỉnh Bình Dương chia sẻ tại Hội nghị, với đề xuất có giải pháp để “giữ chân” giáo viên.
Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là ở địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa hay tình trạng quá tải trường lớp dẫn tới sĩ số học sinh/lớp cao ở các vùng đô thị cũng được một số địa phương nêu lên và cho rằng, điều này đặt ra khó khăn cho đảm bảo chất lượng giáo dục.
Ghi nhận thành công của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, đặc biệt là việc tổ chức đăng ý dự thi theo hình thức trực tuyến giảm tốn kém, được học sinh, phụ huynh đánh giá cao, đại diện tỉnh Cà Mau đề nghị, Bộ GDĐT sớm có chỉ đạo thực hiện về việc chuyển đổi số toàn ngành, trọng tâm là giáo dục, để địa phương không bị động và không bị trùng lắp.
Trao đổi về 3 vấn đề ngành Giáo dục cần tập trung triển khai thực hiện, theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đó là: tiếp cận bình đẳng trong giáo dục, trong đó cần quan tâm đến giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên vùng khó; đẩy mạnh triển khai về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, trong đó các trường sư phạm, đào tạo giáo viên; phối hợp triển khai hiệu quả Nghị định 116/2020/NĐ-CP - bởi nếu chậm sẽ ảnh hưởng đến đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục.
Ghi nhận và đánh giá cao một số kết quả của ngành Giáo dục trong năm học 2021 -2022, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhìn nhận: Năm học qua, toàn ngành phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức; nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành, năm học 2021-2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Một trong những điểm nhấn là Bộ đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên ngày càng chuẩn hóa, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã có quyết định bổ sung nguồn lực giáo viên cho ngành. Qua đó thể hiện những nỗ lực của Bộ trong việc giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên ở nhiều địa phương.
Ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị, trong năm học tới, Bộ GDĐT cần tiếp tục đổi mới, quan tâm xây dựng thể chế, kịp thời tham mưu với Chính phủ, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giáo dục. Đồng thời, thể chế hóa chủ trong của Đảng về giáo dục; Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện trường học và tập trung xây dựng văn hóa học đường. Mặt khác, kiên trì đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học.
Trân trọng nỗ lực của đội ngũ giáo viên, các em học sinh
Đánh giá năm học 2021-2022 tiếp tục là "năm học vượt khó", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nhiều kết quả tích cực ngành Giáo dục đã làm được, đồng thời bày tỏ trân trọng nỗ lực của toàn thể đội ngũ giáo viên, các em học sinh. Phó Thủ tướng cũng chia sẻ những khó khăn của ngành Giáo dục trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, trường lớp, giáo viên, cùng với đó là sự quan tâm, yêu cầu rất cao của người dân, xã hội. Với năm học 2022-2023, Phó Thủ tướng nêu 10 đầu việc cụ thể đối với ngành Giáo dục.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Thứ nhất là tiếp tục bám sát Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thực hiện đổi mới ở tất cả các khâu, phối hợp với các ban Đảng, ủy ban của Quốc hội theo từng chuyên đề.
Thứ hai, ngành Giáo dục phải thực hiện thực chất hơn việc dạy và học theo hướng phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ cho học sinh, trong đó cần đẩy mạnh hơn nữa việc giảng dạy các môn nghệ thuật trong trường học.
Thứ ba là phải thực sự quyết liệt trong đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Bộ GDĐT phải đúng là bộ quản lý nhà nước, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để có những điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục được nâng lên nhanh hơn, bền vững hơn.
Từ đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục, ngànhGgiáo dục cần tiếp tục đổi mới quản trị trường phổ thông sau những thành công ban đầu trong thực hiện tự chủ đại học. Các trường phổ thông phải thực sự là môi trường văn hóa và dân chủ, huy động sự tham gia của cộng đồng. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.
Thứ tư là Bộ GDĐT phải rà soát, chủ động đề xuất các cơ chế học phí, về thực hiện tự chủ nhằm có tỷ lệ thích hợp các trường ở những vị trí, địa bàn thích hợp có thể lo lương cho giáo viên để dành biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cho những vùng nông thôn, khó khăn để có đủ giáo viên, trường, lớp để học sinh học 2 buổi/ngày thuận lợi với sĩ số của một lớp theo đúng hướng dẫn của Bộ.
Thứ năm, Bộ GDĐT đẩy nhanh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, nắm thật sát nguồn lực giáo dục trên cả nước về giáo viên, cơ sở vật chất gắn với thông tin dân số từng địa bàn, từng xã, từ đó chủ động bảo đảm "đủ trường, đủ lớp, đủ giáo viên cho học sinh".
Thứ sáu, Bộ GDĐT chủ động phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc để có phương án tổ chức học cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo hướng các cháu "ở nội trú, bán trú nhưng học hòa đồng", nâng chất lượng học tập của học sinh dân tộc thiểu số, miền núi. "Việc này phải làm kiên trì 15-20 năm và rất cần sự quan tâm thực sự sâu sát của chính quyền địa phương", Phó Thủ tướng đề nghị.
Thứ bảy, Bộ GDĐT cần rà soát rất nghiêm túc tất cả các tiêu chuẩn, tiêu chí thi đua, khen thưởng trong ngành giáo dục thực chất, phù hợp với điều kiện từng vùng miền, địa bàn.
Thứ tám, Bộ GDĐT phải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, bổ sung các quy định về việc huy động các nguồn đóng góp của cộng đồng cho trường học công khai, minh bạch.
Thứ chín, Bộ GDĐT tiếp tục rà soát thực chất các quy định về dạy thêm, học thêm, kiểm tra, sử dụng sách tham khảo,… không để học sinh "phải tự nguyện" xin học thêm, xin tổ chức lớp học, xin mua sách tham khảo… "Tình trạng này đã được chấn chỉnh. Nhiều nơi làm rất tốt nhưng cá biệt vẫn còn. Chúng ta phải kiên quyết rà soát, xử lý nghiêm", Phó Thủ tướng lưu ý.
Thứ mười, Bộ GDĐT phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, quản trị nhà trường, thúc đẩy học liệu điện tử, học trực tuyến như hoạt động bổ trợ lâu dài; đẩy mạnh giáo dục STEM; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để đổi mới căn bản từ yêu cầu, hướng dẫn đến sản xuất, phân phối thiết bị, đồ dùng dạy học.
Về một số nhiệm vụ trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT có kế hoạch, hướng dẫn chi tiết đối với việc bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh sau thời gian dài học trực tuyến cho từng lớp học, cấp học; cùng với các địa phương tổ chức tuyển dụng biên chế giáo viên được bổ sung cho thật tốt; theo dõi sát công tác tuyển sinh đại học; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để sớm trình Chính phủ các văn bản cần thiết để thực hiện chủ trương mua sách giáo khoa cho học sinh mượn dùng.
Phó Thủ tướng mong muốn và chúc ngành Giáo dục, toàn thể giáo viên tiếp tục nỗ lực vượt qua những khó khăn, vất vả để xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Khắc phục khó khăn, sáng tạo không ngừng để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Năm học 2021-2022 là năm học đầy thử thách; trường học bị đóng cửa, toàn ngành chuyển sang dạy và học trực tuyến trong điều kiện thiếu thốn nhiều bề. Nhưng với nỗ lực vượt bậc, với định hướng kiên trì mục tiêu chất lượng, ngành Giáo dục đã vượt qua thử thách, ứng phó được với dịch bệnh, hoàn thành cơ bản các yêu cầu của năm học và tiếp tục thực hiện được các mục tiêu đổi mới theo kế hoạch.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu bế mạc Hội nghị
Thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT, toàn thể giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên ngành Giáo dục, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn trân trọng đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bởi những ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành trong năm học vừa qua; cũng như chỉ đạo mang tính định hướng, những chỉ đạo giải quyết vướng mắc, các yêu cầu ngành Giáo dục cần thực hiện trong năm học 2022-2023 và những việc đẩy mạnh, làm tốt trong thời gian kế tiếp.
Tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng khẳng định sẽ cùng Ngành cụ thể hóa thành các chỉ đạo cụ thể để triển khai trong năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo, nhằm đạt tới yêu cầu chất lượng, hiệu quả, khắc phục tồn tại hạn chế, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bộ trưởng đồng thời gửi tới toàn thể đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý sự ghi nhận, sự biểu dương và lời cảm ơn bởi những nỗ lực vượt bậc, những cố gắng phi thường trong năm học vừa qua; cảm ơn sự đồng hành, ủng hộ, hỗ trợ đối với sự nghiệp giáo dục của các bậc phụ huynh học sinh; ghi nhận sự cố gắng của gần 24 triệu học sinh, sinh viên đã vượt qua khó khăn để học tập, trưởng thành trong một năm đầy gian khó.
Thay mặt cho ngành Giáo dục và lãnh đạo Bộ GDĐT, Bộ trưởng gửi lời cảm ơn trân trọng đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Chính phủ đã quan tâm tới sự nghiệp giáo dục của nước nhà và trực tiếp chỉ đạo một cách sát sao, luôn tạo điều kiện tốt nhất cho ngành Giáo dục; cảm ơn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội, các Ban, Bộ, ngành đoàn thể trung ương, lãnh đạo các địa phương trong cả nước. Theo Bộ trưởng, trong sự nghiệp đổi mới giáo dục đặc biệt đối với giáo dục phổ thông, lãnh đạo các dịa phương có vai trò hết sức quan trọng, thậm chí quyết định tới sự thành công của đổi mới.
Bộ trưởng cho biết: Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021; tiếp tục triển khai thực Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Mục tiêu nhằm đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó trọng tâm là tổ chức triển khai hiệu quả chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Để thực hiện thành công mục tiêu này, Bộ GDĐT xác định việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách là khâu đột phá, là việc ưu tiên trước hết. Trong đó triển khai rà soát các quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc chồng chéo, ban hành thêm cơ chế chính sách nhằm mở đường, tạo điều kiện cho tự chủ và đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, coi củng cố, phát triển đội ngũ giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non, phổ thông và lực lượng khoa học của các trường đại học là yếu tố mang tính quyết định. Lấy việc hiện đại hóa hạ tầng giáo dục, chuyển đổi số, tăng cường tự chủ trong giáo dục, tăng cường dân chủ trong môi trường học đường, tăng cường yếu tố văn hóa trong môi trường học đường và thu hút các nguồn lực cho giáo dục là những giải pháp cần đẩy mạnh trong thời gian sắp tới.
Nhận định nhiệm vụ, công việc trong năm học mới là hết sức nặng nề, đặc biệt với giáo dục phổ thông, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn nhận được sự phối hợp của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương để cùng ngành Giáo dục đẩy nhanh tiến độ và chuẩn thời gian cho việc lựa chọn sách giáo khoa, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, sử dụng thật tốt các chỉ tiêu biên chế mà ngành vừa có để bổ sung nguồn giáo viên…
“Bộ GDĐT trong hội nghị hôm nay đã lắng nghe, ghi chép các ý kiến trao đổi, cũng như các ý kiến gửi đến và sẽ xem xét thấu đáo để chỉ đạo công việc sát thực tế và hiệu quả hơn. Lãnh đạo Bộ GDĐT cùng các cơ quan tham mưu và toàn thể giáo chức, học sinh, sinh viên sẽ ra sức phấn đấu, khắc phục khó khăn, sáng tạo không ngừng để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình, để có kết quả cho một năm học mới tốt nhất, chào mừng 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam - một dịp đặc biệt của ngành Giáo dục.”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chủ đề năm học 2022-2023 là “đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo” với 12 nhiệm vụ trọng tâm:
1. Hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phần quyền trong quản lý.
2. Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.
3. Tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên.
4. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
5. Thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
6. Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
7. Xây dựng quy hoạch mạng lưới và đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học.
8. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.
9. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
10. Hội nhập quốc tế trong giáo dục.
11. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành,
12. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
|