Thu Đông năm 1952, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã lập nên những chiến công vang dội trên núi rừng Tây Bắc, đập tan âm mưu chiếm giữ địa bàn chiến lược, chia cắt chiến trường, khống chế căn cứ địa Việt Bắc của thực dân Pháp, giải phóng nhân dân, giải phóng đất đai, phát triển thế tiến công chiến lược của cuộc kháng chiến. Với Chiến thắng Tây Bắc, quân ta đã làm thất bại hoàn toàn âm mưu củng cố “xứ Thái”, “xứ Nùng tự trị” của Pháp. Tỉnh Sơn La (từ Nà Sản), 4 huyện phía Nam tỉnh Lai Châu, 2 huyện phía Tây tỉnh Yên Bái, rộng hơn 28.000km2 với 25 vạn dân được giải phóng.
“70 năm đã trôi qua, âm hưởng chiến thắng hào hùng vẫn còn vang vọng, đặt dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh giữ nước theo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, của Bác Hồ, để lại những kinh nghiệm giá trị cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN” - Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự khẳng định.
Theo các nhà khoa học quân sự, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Tây Bắc là địa bàn chiến lược không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với cả ba nước Đông Dương. Sau khi tái chiếm Việt Nam, thực dân Pháp triệt để thực hiện âm mưu “chia để trị”, lập “xứ Thái tự trị”, “xứ Nùng tự trị” để chia rẽ đồng bào dân tộc Kinh với đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS); giữa các DTTS với nhau nhằm thống trị lâu dài khu vực này. Nhận rõ vị trí, vai trò địa bàn Tây Bắc và âm mưu của thực dân Pháp từ rất sớm, Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh đã cử các đội quân công tác lên gây dựng cơ sở, giúp đỡ đồng bào, tạo lập thế trận chiến tranh nhân dân trên núi rừng Tây Bắc.
Để vận động đồng bào DTTS tham gia kháng chiến, tháng 8/1952, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành “Nghị quyết Bộ Chính trị về chính sách DTTS của Đảng hiện nay”. Ngày 6/9/1952, tại “Hội nghị cán bộ chuẩn bị Chiến dịch Tây Bắc”, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh việc tranh thủ nhân dân trong Chiến dịch Tây Bắc là đặc biệt hệ trọng vì ở đây địch thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc rất thâm độc.
Tiến quân vào Tây Bắc, quân ta xác định đây là nơi địch có nhiều sơ hở, lực lượng mỏng, nhưng địa bàn chiến dịch lại là nơi xa hậu phương, địa hình rừng núi hiểm trở, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn, giao thông vận tải rất khó khăn; nguồn nhân lực hậu cần tại chỗ rất hạn chế…, nhu cầu mọi mặt của Chiến dịch Tây Bắc vượt xa so với các chiến dịch trước rất nhiều. Nhận thức được điều đó, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh đã rất quan tâm đến công tác vận động quần chúng, tăng cường cán bộ dân vận cho chiến trường, đồng thời, chỉ đạo các cơ sở các cấp và bộ đội luồn sâu, đi sát, sống giữa lòng nhân dân, nắm tình hình, giác ngộ, động viên, vận động quần chúng nhận thức, một lòng một dạ tin theo Đảng, Bác Hồ, tận tâm phục vụ và tham gia đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch.
Nhờ làm tốt công tác dân vận, nhân dân các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dốc sức, dốc lòng cho chiến dịch giải phóng Tây Bắc. Khi tổ chức cho bộ đội vượt sông Thao để tham gia đợt 1 chiến dịch, ta huy động được hơn 400 thuyền nan, 350 thuyền gỗ của nhân dân 2 tỉnh Yên Bái và Phú Thọ cùng tham gia vượt đèo dốc hiểm trở vận chuyển lương thực, vũ khí...
Để chiến dịch thành công, ta đã huy động gần 200.000 dân công với 7 triệu ngày công, vận chuyển 11.750 tấn gạo, 164 tấn muối, 235 tấn thịt, 44 tấn thực phẩm, 83 tấn vũ khí, quân trang, quân dụng cho chiến trường Tây Bắc. Dù cuộc sống còn rất khó khăn, nhưng với tinh thần yêu nước, đoàn kết toàn dân tộc, đồng bào các dân tộc Tây Bắc, nhiều nơi giáp hạt thiếu ăn nhưng nhân dân vẫn tự nguyện đóng góp lương thực, thực phẩm, hăng hái đi dân công, vừa phục vụ tiền tuyến, vừa bảo vệ hậu phương. Tính chung toàn chiến dịch, đồng bào các DTTS đã huy động tại chỗ phục vụ chiến dịch 1.140 tấn gạo, 40 tấn thịt, 41 tấn thực phẩm khác cùng với 150.000 ngày công, vận chuyển 50.000 tấn hàng từ hậu phương ra tiền tuyến và hàng trăm nghìn phương tiện vận tải thô sơ cho Chiến dịch Tây Bắc.
Nhìn nhận lại công tác huy động sức dân trong Chiến dịch Tây Bắc, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: “Chiến thắng Tây Bắc đã khẳng định đường lối xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất của Đảng là đúng đắn. Khối đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được xây dựng và đã phát huy cao độ trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi vào năm 1954”.
Từ Chiến thắng Tây Bắc 1952, Đảng, Nhà nước ta, các cấp, các ngành, các lực lượng ngày nay đang nỗ lực xây dựng và phát huy sức mạnh bài học “thế trận lòng dân”, huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân bằng các giải pháp phù hợp, làm nền tảng để xây dựng tiềm lực kinh tế - văn hóa - xã hội - quốc phòng bảo vệ thống nhất, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, chú trọng củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, cốt lõi là xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; kế thừa và vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: “Tích cực vận dụng bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Tây Bắc 1952, trong các giai đoạn cách mạng hiện nay, các cấp, các ngành cần đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân. Trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về đường lối, chủ trương xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo sự đồng thuận cao về nhận thức và hành động trong toàn xã hội. Chăm lo xây dựng MTTQ Việt Nam vững mạnh, đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân”.