1. Đừng ngại giảng giải cho con hiểu điều gì đang xảy ra.
Trẻ con thông minh và nhạy cảm hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Vì thế, bạn đừng nên “đánh giá thấp” kiến thức của con, đừng bao giờ nghĩ là còn quá sớm để dạy con thế nào là môi trường, hay làm thế nào để bảo vệ môi trường.
Bạn có thể cung cấp kiến thức về bảo vệ môi trường cho trẻ bằng việc chỉ cho trẻ thấy và giảng giải cho trẻ nghe về những bức tranh cổ động, tuyên truyền về bảo vệ môi trường trên tivi, trên những bảng tin ở khu vực địa phương nơi trẻ sinh sống hay trên những chiếc xe chở rác của công ty Môi trường Đô thị. Những hình ảnh sinh động, bắt mắt sẽ khiến trẻ thích thú và nhớ lâu hơn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm trên mạng những đoạn phim hoạt hình giáo dục ý thức bảo vệ môi trường với những con vật được nhân cách hoá để cho con xem. Sau đó, hãy cùng con ngồi xem phim, giải thích cho con hiểu lý do - nguyên nhân - thực trạng - hậu quả về môi trường mà trong phim đã truyền tải. Mỗi ngày một câu chuyện, một bộ phim ý nghĩa sẽ làm trẻ thêm yêu thiên nhiên nhiều hơn.
2. Dạy con từ những hành động nhỏ nhất hàng ngày.
Cách dạy con về ý thức bảo vệ môi trường thực ra không hề phức tạp và khó khăn như mọi người có thể nghĩ. Các bài học đều có thể lấy ngay từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Ví dụ, cha mẹ có thể bắt đầu bằng cách dạy con cách tiết kiệm nước. Khi con đánh răng, thay vì mở nước chảy tràn, hãy hướng dẫn con hứng nước vào ly nhựa, súc miệng hết ly mới lấy ly nước khác. Bé có thể cùng với cả nhà thực hiện việc tiết kiệm nước như không vặn nước chảy quá mạnh, khóa vòi ngay sau khi dùng xong, không tắm quá lâu...
Ngoài việc tiết kiệm nước, bé cũng cần phải biết tiết kiệm điện. Cha mẹ hãy dạy con tắt tivi ngay khi không xem, tắt bớt đèn trong phòng khi không cần thiết, không đóng mở cửa tủ lạnh tuỳ tiện, liên tục… Khi bạn tắt quạt, tắt máy lạnh và mở cửa sổ để lấy khí trời, bạn cũng có thể bảo cho con biết rằng đây là việc làm để tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, hãy nhắc nhở con rằng tiết kiệm giấy cũng là bảo vệ môi trường. Tiết kiệm giấy sẽ giúp hạn chế việc chặt cây rừng để lấy nguyên liệu sản xuất giấy. Bé có thể bắt đầu tiết kiệm bằng cách hạn chế xé tập. Các trang giấy cũ còn thừa lại, bạn có thể cùng con đóng thành những cuốn sổ nhỏ để bé dùng ghi chú, làm vở nháp…
3. Luôn khen ngợi và ủng hộ trẻ hành động vì môi trường.
Ngoài việc dạy con hành động bảo vệ môi trường, bản thân cha mẹ phải luôn đề cao và ủng hộ khi thấy con có ý thức bảo vệ môi trường. Ví dụ, khi thấy con nhất quyết đòi tìm thùng rác để vứt rác, cha mẹ không nên ngăn cản trẻ và càng không nên tuỳ tiện vứt rác ra đường, đặc biệt là ngay trước mặt trẻ. Khi trẻ nói muốn được tự tay trồng cây, tốt nhất bạn nên hướng dẫn, hỗ trợ trẻ trồng và chăm sóc cho chậu cây của trẻ chứ không nên ngăn cản trẻ.
4. Dùng “trực quan sinh động” để hướng dẫn trẻ.
Một chuyến đi thăm quan công viên, rừng/vườn quốc gia thực tế là hết sức ý nghĩa đối với trẻ. Nếu gia đình có kinh tế eo hẹp, bạn hoàn toàn có thể chọn những công viên gần nhà để cho con đi chơi và hoà nhập vào thiên nhiên mỗi dịp cuối tuần. Ngoài ra, bạn cũng nên khuyến khích con tham gia vào các chuyến dã ngoại do nhà trường tổ chức…
Ngoài việc giúp cho trẻ thư giãn sau những giờ học căng thẳng, đây còn là cách giúp trẻ quan sát, khám phá và thêm yêu môi trường thiên nhiên. Khi đã được tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên tươi đẹp kì thú, trẻ sẽ hiểu được sự tiếc nuối nếu khung cảnh tươi đẹp đó bị huỷ hoại và sẽ có ý thức hơn trong việc góp phần bảo vệ chúng.