1. Trò chuyện cùng con
Cha mẹ hãy tập thói quen trò chuyện cùng với con mình hàng ngày, đồng thời trong quá trình trò chuyện hãy để trẻ có quyền có tiếng nói. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ chủ động bày tỏ những quan điểm, ý kiến riêng của mình. Mặt khác, bên cạnh những câu hỏi vặn vẹo của mình thì bạn hãy tạo động lực cho con đưa ra những câu phản biện, tranh luận với lý lẽ, dẫn chứng để thuyết phục bố mẹ. Nếu bạn thực hành thói quen phản biện này với con hàng ngày thì bạn sẽ thấy con mình tự tin hẳn lên khi đứng trên sân khấu, đứng trước đám đông kể chuyện hoặc thuyết trình.
2. Dạy trẻ cách tự lập
Cha mẹ hãy để con của mình tự làm việc nhà như nấu cơm, rửa bát, quét nhà… giúp cha mẹ hay để con tự vệ sinh cá nhân, thay quần áo và chuẩn bị sách vở đi học. Hãy để cho trẻ có quyền được tự quyết định chọn đồ gì, mặc quần áo gì còn cha mẹ có thể giúp trẻ cách phối đồ sao cho phù hợp.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể để con thể hiện sự tự tin của mình trước đám đông bằng những việc làm nhỏ nhặt nhất như: Để trẻ gọi món ăn trong nhà hàng khi đi ăn cùng cha mẹ hoặc để trẻ xếp hàng mua vé tham quan… tất cả những điều đó tưởng chừng như đơn giản nhưng lại có hiệu quả rất lớn khi con bạn được tiếp xúc và nói lên mong muốn của mình.
3. Cho trẻ chơi với các bạn khác
Việc chơi với các bạn cùng lứa tuổi sẽ khiến trẻ có cảm giác an toàn, không còn nhút nhát, sợ sệt. Khi chơi cùng các bạn, trẻ sẽ tự tin nói ra những suy nghĩ, ý kiến của mình mà không sợ bị sai hay bị la mắng. Khi điều này tạo thành thói quen, lâu dần trẻ sẽ học được cách đưa ra quan điểm cá nhân của mình.
4. Tạo cơ hội cho trẻ thể hiện
Cha mẹ hãy cho con cơ hội để thể hiện chính mình bằng cách gợi ý cho con hướng dẫn em nhỏ học bài hoặc giải một bài toán khó giúp em nhỏ. Khi trẻ giảng được bài cho em thì đó chính là kỹ năng nói trước đám đông để thuyết phục người khác. Ngoài ra, bạn cũng có thể tạo cơ hội thử sức cho con bằng việc cho trẻ đi học ở các lớp học kỹ năng sống, lớp hát, múa… để trẻ có cơ hội lên sân khấu hát, múa, biểu diễn trước đám đông để bé tự tin, mạnh dạn hơn không còn nhút nhát, sợ hãi nhiều nữa.
5. Quan tâm, chăm chút đến ngoại hình của trẻ.
Cũng giống như người lớn, những đứa trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn nếu trông mình có vẻ ngoài thu hút. Do đó hãy chăm chút ngoại hình của trẻ bằng cách cho con một chế độ dinh dưỡng và tập luyện tốt nhất để bé có thể có được những nền tảng tự tin. Trang phục dành cho trẻ cũng là một yếu tố quan trọng giúp trẻ tự tin. Bộ quần áo, hay váy vóc, giày dép, mũ nón mà bạn chuẩn bị cho trẻ, phù hợp với nơi con đến, phù hợp với vóc dáng của con, phù hợp với hoạt động của con… khiến con được bạn bè, thầy cô khen ngợi, sẽ giúp trẻ thấy vui vẻ, hạnh phúc và tự tin hơn hẳn khi đứng trước tập thể.
Ngoài ra, để trẻ tự tin vào bản thân, mạnh dạn và thoải mái trình bày những ý tưởng, chính kiến của mình thì rất cần những khuyến khích, khen ngợi kịp thời, động viên của cha mẹ dành cho con khi con còn bé. Không nên so sánh, quát nạt trẻ trước mặt nhứng người bạn của con. Cha mẹ không nên khiến trẻ quá ảo tưởng về bản thân dễ khiến trẻ tự cao nhưng cũng đừng để trẻ mặc cảm với bản thân vì như thế trẻ sẽ trở nên tự ti, không dám thể hiện mình. Trẻ thiếu tự tin sẽ cho là mình không bằng bạn bè, mình không thể làm được điều đó nên càng rụt rè, nhút nhát và sống khép mình lại. Luôn tôn trọng bé, luôn khiến bé có vị trí quan trọng, đó là cách để cha mẹ dạy cho con vững vàng đứng và nói trước đám đông
6. Dạy con biết lắng nghe
Trước khi trẻ có thể là người nói tốt thì trẻ nhất thiết phải là người nghe tốt đã. cha mẹ hãy hướng dẫn con cách đừng vội cắt ngang lời người khác mà phải luôn lắng nghe một cách lịch sự, luôn quan sát thái độ của người khác, chờ đến lượt mình mới trình bày ý kiến. Việc này nghe thì to tát, nhưng thật ra bạn có thể tập với con hằng ngày. Chẳng hạn, khi bé và em tranh nhau “mách tội” với cha mẹ thì bạn nên ngăn con lại, chấn chỉnh con một cách thật nhẹ nhàng, để từng đứa trẻ lần lượt nói, và đứa trẻ này nói phải có đứa trẻ kia nghe. Khi trẻ học được cách lắng nghe, trẻ sẽ “luyện” dần cho mình cách nói chuyện thuyết phục, có đầu có đuôi, logic để thuyết phục người khác.
7. Chia sẻ những “thất bại” của trẻ
Có những đứa trẻ rất thoải mái trước áp lực đám đông, nhưng cũng có những đứa trẻ đột nhiên rơi vào trạng thái đứng như trời trồng, chẳng biết nói gì, biểu diễn vụng về, nói năng lắp bắp dù trước đó đã được tập luyện nhiều lần. Những lúc này trẻ đang rất mất tự tin. Bạn nên thể hiện sự chia sẻ thật chân thành để giúp bé vượt qua, khiến bé không sợ hãi khi lần sau lại đứng trước đám đông như thế nữa. Những lời động viên như: “Mẹ thấy con có phần chào hỏi đầu tiên rất tốt, nhưng sau đó có lẽ con hơi run phải không? Không sao, hồi nhỏ mẹ cũng hay bị như vậy. Nhưng dần dần thì hết. Con còn giỏi hơn mẹ lúc đứng trước đám đông lần đầu tiên đấy chứ!” sẽ giúp bé cảm thấy bớt nặng nề với “thất bại” của mình và dám tự tin thử lại lần sau.
8. Tạo dựng cho con “giá trị bên trong”
Một đứa trẻ không thể nói tốt trước đám đông nếu như trẻ chẳng biết nói gì. Nội lực bên trong của trẻ chính là thứ bạn cần vun đắp cho con từ từ, qua nhiều ngày nhiều tháng trong chính gia đình. Ví dụ như bạn có thể kể cho con nghe nhiều câu chuyện, hướng dẫn trẻ đọc các loại sách phù hợp độ tuổi, xem những bộ phim nội dung bổ ích… Tích tụ lâu ngày, những chất liệu này sẽ chính là “chất ngọc” giúp con bạn có được một kiến thức rộng, những suy nghĩ độc lập. Khi bé có được càng nhiều “giá trị bên trong”, những lời bé nói ra khi đứng trước đám đông sẽ càng mang tính thuyết phục, tự tin, chững chạc.
9. Đừng ép buộc trẻ!
Hãy nhớ rằng tất cả những rèn luyện này chỉ mang tính bước đầu, để tạo dựng nền tảng cho con về sau. Do đó, cần để trẻ làm tất cả trong trạng thái thoải mái nhất mà trẻ muốn. Nếu có một đám đông nào đó trẻ cảm thấy xa lạ, không muốn xuất hiện chẳng hạn, bạn đừng ra sức ép con. Tuy nhiên, bạn có thể đưa trẻ đến nhiều môi trường giao tiếp khác nhau để giúp trẻ làm quen từ từ. Bé có thể ở bên cạnh bạn, quan sát, sau đó làm quen với những người bạn… Cứ như thế cho đến khi bé cảm thấy môi trường mới này thật sự “an toàn”.
Phạm Hậu(th)/ Báo Gia đình & Xã hội